Aa

Sự diệu kỳ của công nghệ sinh học

Chủ Nhật, 15/11/2020 - 09:00

Công nghệ sinh học đã gần như trở thành một chiếc đũa thần trong tay loài người.

Có lẽ trong đời sống hàng ngày hiện nay, ai trong chúng ta ít nhất cũng đã từng nghe đến khái niệm “công nghệ sinh học” đôi ba lần. Còn sản phẩm của ngành công nghệ này thì hầu như người dân nào trên thế giới cũng phải dùng đến nó. 

Bột ngọt (mì chính) từ công nghệ vi sinh lên men dỉ đường, bột sắn, sản xuất men bia, rượu. Thuốc kháng sinh là sản phẩm thu được từ công nghệ nuôi cấy các chủng vi khuẩn. Rất nhiều loại vaccine được sản xuất từ các dây chuyền công nghệ sinh học truyền thống “làm yếu” mầm bệnh xưa đến kỹ thuật gen tái tổ hợp này. 

Rất nhiều loài cây lương thực như ngô, lúa, đậu tương, cà chua... cho năng suất cực cao, chất lượng tốt, giải quyết xong nạn đói kinh niên của nhiều quốc gia. Cho đến những bông hoa phong lan đẹp đẽ làm mê đắm người ta dịp gần đây cũng là sản phẩm của công nghệ sinh học biến đổi gen và nuôi cấy mô...

Công nghệ sinh học đã gần như trở thành một chiếc đũa thần trong tay loài người.

Công nghệ sinh học ngày càng trở nên quan trọng trong cuộc sống của loài người. (Ảnh minh họa: Internet)

Thậm chí có lúc người ta đã nghĩ đến việc thay cho “thượng đế” trong việc tạo ra muôn loài: điển hình là câu chuyện chú cừu Dolly được tạo ra bằng phương pháp của công nghệ sinh học nuôi cấy từ chỉ tế bào của một con cừu cái mẹ mà không cần đến con đực làm bố... Tuy nhiên, đó là một câu chuyện dài, nan giải. Bởi nó không chỉ là khoa học mà còn liên quan đến cả khía cạnh tâm linh, tôn giáo và đạo đức rất phức tạp nên ta không đề cập ở đây.

Từ năm 1919, quý ông Karl Erelcy đã định nghĩa: Công nghệ sinh học là ngành sản xuất ra các sản phẩm từ những nguyên liệu thô với sự trợ giúp của các sinh vật sống.

Thời hiện đại, người ta mở rộng hơn cái định nghĩa trên, cho rằng công nghệ sinh học còn là một ngành công nghệ đi sửa đổi sinh vật sống theo mục đích sử dụng của con người! Nghe cũng hơi kinh, những người theo chủ nghĩa tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh thái chắc chả thích thú gì với cái khái niệm trên. Thế nhưng một thực tế không thể phủ nhận là cuộc sống loài người hiện nay, khó lòng mà dứt khỏi sự hỗ trợ, tác động của các ngành công nghệ sinh học. 

Kể từ năm 1971, khi người ta bắt đầu tác động được vào bộ gen của sinh vật, được coi như là dấu mốc của sự ra đời công nghệ sinh học tiên tiến: Chỉ cần từ một tế bào cây nào đó, với công nghệ nuôi cấy mô, người ta có thể tạo thành một cái cây hoàn chỉnh. Từ công nghệ gen này đã cho ra đời các ngành sản xuất thuốc: Pharmacogenonics và Biopharmaceutics, trong đó đặc biệt là công nghệ sản xuất vaccine phòng chống các loại dịch.

Trong thời kỳ hiện nay, khi dịch Covid-19 gây ra bởi corona virus đang hoành hành trên toàn thế giới, thì sự tiên phong trong lĩnh vực sản xuất vaccine phòng corona virus càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Gần đây nhất, các phương tiện thông tin đại chúng trên toàn thế giới đã hân hoan thông báo sự thành công của vaccine chống corona virus, hoàn thành thử nghiệm trên người ở quy mô lớn với tỷ lệ hơn 90% đáp ứng tốt. Đây thực sự là một tin tốt lành cho cả thế giới loài người. 

Vaccine đó là sản phẩm của một công ty công nghệ sinh học Đức có tên BioNtech hợp tác với hãng sản xuất dược phẩm khổng lồ hàng đầu thế giới Pfizer có trụ sở tại Mỹ. BioNtech sản xuất dưới sự hỗ trợ tài chính của Pfizer mà không cần sự trợ giúp tài chính từ bất cứ chính phủ nào, Đức hay Mỹ! Điều này cho thấy một lần nữa quy luật của kinh tế thị trường lành mạnh đã phát huy một cách mạnh mẽ tại đây.

Từ một công ty công nghệ sinh học chưa có tên tuổi của cặp vợ chồng nhà khoa học Đức (gốc Thổ) Ugur Sahin và Ozlem Tureci, chỉ sau một năm ra thị trường chứng khoán, giá trị công ty BioNtech nay đã vọt lên đến 21,9 tỷ đô la và đưa cặp vợ chồng nhà khoa học vốn là dân nhập cư hết sức khiêm nhường kia ra nhập vào hàng ngũ những người giàu nhất nước Đức. Và lẽ dĩ nhiên người khổng lồ dược phẩm Pfizer cũng sẽ thu được món lợi ròng khổng lồ từ thương vụ này!

Trở lại câu chuyện về loại vaccine chống corona virus có tên BN162b2 vừa được chế ra kia, công ty BioNtech đã điều chế ra một “chất” vô hại dựa trên cấu trúc ARN của con virus corona quái quỷ, đưa vào cơ thể con người, kích thích tế bào người tạo ra protein có cấu trúc tương tự ARN của virus nhưng cũng hoàn toàn vô hại, tập cho hệ miễn dịch của chúng ta nhận biết và sinh ra kháng thể. Và sau đó, nếu corona virus xâm nhập vào, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận biết và sử dụng kháng thể tiêu diệt con virus này.

Cho đến giờ phút này, đây là loại vaccine duy nhất trên thế giới công bố hiệu quả sau khi trải qua các quá trình chuẩn thử vaccine - thuốc nghiêm ngặt trên người gồm ba giai đoạn của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO. Giai đoạn 1 thử từ 5 - 6 người, giai đoạn 2 thử trên 100 đến 200 người, giai đoạn 3 quyết định vaccine có được cấp phép không thường thử trên quy mô lớn, có thể đến vài chục ngàn người tình nguyện! 

Điều đặc biệt nữa là Pfizer - BioNtech ngay từ đầu đã tuyên bố tuân thủ tuyệt đối các quy chuẩn an toàn và khoa học, thay vì chính trị hóa vaccine! Nên trong khi rất nhiều hãng, nhiều nước khác rầm rộ công bố về các loại vaccine thì họ cũng vẫn chỉ âm thầm làm việc. Thậm chí Giám đốc BioNtech, ngài Sahin nói hôm 10/11 rằng, sản phẩm của BioNtech/ Pfizer “không phải là vaccine duy nhất chống lại dịch bệnh” mà có rất nhiều ứng viên tiềm năng đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Thật là một nhân cách khoa học lớn.

Với đông đảo chúng ta, việc chế tạo thành công vaccine, ánh sáng cuối đường hầm về cơn đại dịch Covid-19 đã được mở ra. Những ngày tươi sáng đang đến gần. Còn với cặp vợ chồng nhà khoa học Ugur Sahin - Ozlem Tureci, chúng ta cần gửi lời cảm ơn chân thành tới họ. Còn họ đã được đến đáp xứng đáng cho sự lao động khoa học bền bỉ, nhẫn nại, âm thầm của mình. Công ty công nghệ sinh học BioNtech nhỏ bé ở vùng An der Goldgrube cạnh thành phố Mainz của nước Đức xa xôi của họ hiện có giá trị gấp 4 lần hãng hàng không khổng lồ lừng danh Lufthansa đó!

Đó cũng là một minh chứng rõ ràng nữa cho sự kỳ diệu của công nghệ sinh học phải không các bạn?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top