Aa

Thống đốc NHNN: Mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới

Thứ Năm, 07/12/2023 - 15:51

Tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022. Dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2 - 3% so với cuối năm 2022

Tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đã có báo cáo về những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua. 

Cụ thể, tính đến ngày 30/11, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng 9,15% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ 2022 tăng 12,02%). 

“Hiện lãi suất huy động, cho vay đã giảm bình quân 2 - 3% so với cuối năm 2022 và dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau 7 tháng thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, đến ngày 31/10, tổng dư nợ (gốc, lãi) được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 158.694 tỷ đồng, với 167.220 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị họp với Thủ tướng sáng 7/12. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trong đó, số dư nợ được cơ cấu tăng đều qua các tháng và hiện không phát sinh khó khăn, vướng mắc. Các ý kiến phản hồi cho thấy Thông tư 02 phù hợp với điều kiện, bối cảnh nền kinh tế, thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của chính sách. 

“Hiện Ngân hàng Nhà nước đang xem xét nghiên cứu và sẽ có báo cáo Chính phủ về việc kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02 để phù hợp với tình hình thực tiễn”, đại diện Ngân hàng Nhà nước thông tin. 

Đặc biệt, đối với chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã được triển khai tại 4 NHTM. Kết quả, các NHTM đã cam kết cấp tín dụng cho 6 dự án với số tiền cam kết là 1.986 tỷ đồng, đã giải ngân cho 4 dự án với số tiền là 143 tỷ đồng.

Còn với chương trình tín dụng 20.000 tỷ đồng cho công nhân, đến hết tháng 11, số tiền đã giải ngân khoảng 9.386 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 năm 2022, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 207.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất khoảng gần 64.000 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất lũy kế từ đầu chương trình đạt hơn 980 tỷ đồng.

Được biết, Ngân hàng Nhà nước cũng điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, góp phần tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Đồng Việt Nam chỉ mất giá khoảng trên 2%, tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Khi đưa ra đánh giá về sự tác động của chính sách mới tới doanh nghiệp và thị trường, về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu (VASEP) cho biết, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho lâm sản, thủy sản đã được giải ngân nhanh. Đến nay đạt hơn 9.000 tỷ đồng sau chỉ hơn 4 tháng, có tác dụng, hiệu quả rất tốt trong điều kiện có rất nhiều khó khăn, thách thức vừa qua.

“Đến nay, các doanh nghiệp thủy sản tiếp cận vốn từ các ngân hàng với lãi suất khoảng từ 5 - 5,9%, còn lãi suất USD từ 4,1 - 4,5%. Với những chỉ đạo và kết quả cụ thể, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản đánh giá rất tin tưởng vào điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ thời gian qua, tạo nên tâm lý tốt, tích cực, tạo động lực để huy động sức của doanh nghiệp và người dân”, ông Nguyễn Hoài Nam nhìn nhận.

Còn về phía lãnh đạo ngân hàng thương mại, ông Kang Gew Won, Tổng Giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam đánh giá cao sự điều hành quyết liệt, tích cực của Chính phủ với chính sách tiền tệ để người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn chung, kịp thời mang lại nguồn vốn hợp lý; bày tỏ tin tưởng ngành ngân hàng có thể hoạt động, phát triển ổn định, tích cực hơn trong năm 2024.

Đến cuối tháng 11, tăng trưởng tín dụng của Shinhan đã đạt 15% và gần đây, cùng với các ngân hang khác, Shinhan đã được NHNN tăng thêm 5% room tín dụng so với hạn mức phân bổ lần thứ 2 trước đó. 

“Việc tăng room tín dụng này là hành động rất kịp thời và ý nghĩa để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tín dụng dễ hơn, nhất là trong giai đoạn nước rút, tăng tốc cuối năm, nhiều doanh nghiệp và khách hàng đang rất cần dòng tiền”, Tổng giám đốc Ngân hàng Shinhan Việt Nam nhấn mạnh. 

Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, về tổng thể, trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động kép từ những yếu tố bên ngoài và bên trong, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế, song kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, an sinh xã hội, đời sống nhân dân được cải thiện.

“Góp phần vào những kết quả đạt được rất cơ bản, đáng trân trọng, ghi nhận đó là đóng góp quan trọng của hệ thống ngân hàng. Biểu dương Ngân hàng Nhà nước đã điều hành để vượt qua thời điểm khó khăn nhất trong tháng 9, tháng 10/2023”, Thủ tướng ghi nhận.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả mà các đại biểu đã chỉ ra, Thủ tướng cho rằng, tăng trưởng tín dụng còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều (một số tổ chức tín dụng, NHTM tăng trưởng khá cao, một số tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm); doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn, còn khoảng trên 700.000 tỷ đồng cấp cho nền kinh tế. Kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt như kỳ vọng, nhất là gói 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội. Nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống…

Theo Thủ tướng, nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, đến từ hai phía. Từ phía cung (các tổ chức tín dụng, NHTM), hồ sơ, thủ tục cho vay vẫn còn phức tạp; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp; còn hiện tượng tiêu cực mà các cơ quan có trách nhiệm sẽ làm sáng tỏ. 

Từ phía cầu (doanh nghiệp, người dân), trong bối cảnh kinh tế, đầu tư, thương mại toàn cầu gặp khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế (cả về tín dụng của doanh nghiệp và tín dụng tiêu dùng); một số doanh nghiệp có nhu cầu vay nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay (nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ); mức độ rủi ro của khách hàng bị đánh giá cao hơn khi khó chứng minh được tính hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị “Giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chỉ ra một số điểm cần lưu ý trong điều hành chính sách tín dụng trong thời gian tới, Thủ tướng cho hay: Tín dụng tăng trưởng còn chậm, một phần là do kinh tế khó khăn, khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu vốn của người dân và doanh nghiệp còn yếu, một phần là do khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng có phần kém đi, nhưng cũng đặt ra yêu cầu đối với ngành, đối với các tổ chức tín dụng cần bám sát tình hình, lĩnh vực, ngành nghề và linh hoạt hơn về điều kiện cho vay (nhất là về tài sản bảo đảm…) và cần đánh giá triển vọng dòng tiền nhiều hơn, sát hơn; có tiêu chuẩn, tiêu chí chung và có ưu tiên, có hạn chế đúng, trúng, phù hợp.

Bên cạnh đó, việc điều hành tín dụng đôi khi còn bị động, cần kịp thời hơn nữa (bao gồm cả việc cấp hạn mức tăng tín dụng) mới đảm bảo luôn đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Việc ban hành một số cơ chế, chính sách tín dụng còn hơi cứng nhắc, chưa thực sự sát tình hình và yêu cầu thực tiễn (như một số điều kiện, điều khoản trong Thông tư 06, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung bằng Thông tư 10).

Đồng thời, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm, chưa quyết liệt, khiến cho cạnh tranh lãi suất vẫn diễn ra (do các tổ chức tín dụng yếu kém này phải đẩy mặt bằng lãi suất lên cao để huy động được tiền gửi của người dân…), khiến cho quá trình giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn…

Do đó, về tư tưởng chỉ đạo trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh, các chủ thể phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức, đồng lòng, hơn lúc nào hết trong lúc này phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, trách nhiệm với đất nước, nhân dân, vì nền kinh tế. Đại đoàn kết, tương thân, tương ái cũng là văn hóa, truyền thống của đất nước ta.

“Tất cả phải hành động, tư tưởng phải thông với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người dân; quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh. 

Cùng với đó, phải đẩy mạnh chống tiêu cực, không hạ chuẩn tín dụng, nhưng xử lý linh hoạt phù hợp tình hình; kịp thời xử lý các vướng mắc pháp lý; đẩy mạnh sử dụng các công cụ thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ công cụ hành chính.

Đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để tham gia huy động vốn cho nền kinh tế; đẩy mạnh chính sách tài khóa liên quan vốn, thuế, lệ phí, đầu tư công… để hỗ trợ chính sách tiền tệ. 

Cuối cùng, về phía các doanh nghiệp bất động sản cũng cần phải cơ cấu lại phân khúc và giá thành sản phẩm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top