Aa

Tín dụng đổ vào bất động sản có “nóng”?

Chủ Nhật, 11/04/2021 - 16:30

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho rằng, dư nợ cho vay bất động sản chiếm 13,5% trên tổng dư nợ là con số duy trì nhiều năm qua và ở mức an toàn, hợp lý.

Chia sẻ tại tọa đàm về bất động sản mới đây, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cho biết, đến nay dư nợ tín dụng bất động sản trên địa bàn thành phố là xấp xỉ 350.000 tỷ đồng, chiếm 13,5% tổng dư nợ.

“Tỷ lệ này là hợp lý, an toàn cho hoạt động của thị trường, kể cả thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Hoàng Minh đánh giá.

Ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định hoạt động tín dụng của ngân hàng chặt chẽ
Ông Nguyễn Hoàng Minh nhận định hoạt động tín dụng của ngân hàng chặt chẽ. (Ảnh: Huyền Trâm)

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ là 2,6 triệu tỷ đồng, có 72% dành cho sản xuất kinh doanh, 13,5% cho bất động sản và còn lại cho tiêu dùng. Với thành phố, tỷ lệ này duy trì nhiều năm qua, kể từ khoảng 2015 đến nay.  Ông Minh cho rằng, nếu so với giai đoạn 2005 - 2008, tín dụng bất động sản phát triển quá nóng, chiếm 35 - 40% tổng dư nợ, hệ lụy ra sao thì tới giờ ngành ngân hàng vẫn vất vả xử lý nợ xấu.

Vị này đánh giá tín dụng cho bất động sản trong tầm kiểm soát tốt của các ngân hàng. Với thị trường bất động sản, ông Minh nêu 2 mối quan tâm lớn: một là nhu cầu vốn cho bất động sản tín dụng bất động sản chiếm lớn trong tổng nhu cầu vốn thị trường, lãi suất thấp không đáp ứng được nguyện vọng người gửi tiết kiệm, theo đó họ chuyển hướng đầu tư.

Giải quyết bài toán vốn là áp lực lớn cho các ngân hàng thương mại. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không can thiệp vào lãi suất huy động của các ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chỉ yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động doanh nghiệp từ đó làm cơ sở giảm lãi suất cho vay.

Thời gian qua dưới tác động của dịch bệnh, các ngân hàng thực hiện giảm chi phí hoạt động, theo đó giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng hầu như giảm lãi suất huy động, xuống mức thấp nhất nhiều năm qua, đây là thử thách không nhỏ với các ngân hàng để huy động vốn cho thị trường.

Ông Minh cho biết, thống kê cho thấy, tổng huy động vốn là 2,95 triệu tỷ đồng, trong đó 86% huy động vốn ngắn hạn, khoảng 12% là huy động trung dài hạn. Trong khi đó, tỷ lệ cho vay trung dài hạn là 54%, 46% là cho vay ngắn hạn. Có thể thấy áp lực thanh khoản cho các ngân hàng là lớn. Nếu các ngân hàng không tính toán kỹ lưỡng là mất cân đối về huy động và cho vay.

Tuy nhiên, không vì thế mà hoạt động ngân hàng lỏng lẻo, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM đề cập tới 3 cơ chế hoạt động hệ thống ngân hàng thực hiện: Một, yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 của Ngân hàng Nhà nước, theo đó cần quan tâm hàng đầu về chất lượng tín dụng, ưu tiên các lĩnh vực mà Chính phủ chủ trương, kiểm soát chặt chẽ dòng vốn vào chứng khoán, bất động sản… Hai, thực hiện nghiêm tỷ lệ an toàn cho hoạt động ngân hàng, vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn; trước đó là 60% thì từ 2021 chỉ còn 40%, theo lộ trình tới 2023 chỉ còn 30%, theo đó hạn chế cho vay trung dài hạn nếu không có nguồn. Ba, hệ số rủi ro mà các tổ chức trích lập, nếu trước đây chỉ 150% thì hiện yêu cầu là 200%, tỷ lệ có thể điều chỉnh lên 250%.

“Bài học thấm thía cho vay giai đoạn 2008 còn nguyên giá trị. Các ngân hàng hiện cho vay chặt chẽ, để tránh nợ xấu xảy ra. Với những cơ chế chính sách đặt ra, quản lý tín dụng nói chung, tín dụng cho bất động sản nói riêng được làm nghiêm ngặt, việc này có tác động tích cực để kiểm soát rủi ro với thị trường bất động sản”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top