Aa

Tọa đàm "Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay"

Thứ Năm, 05/11/2020 - 13:45

Tọa đàm: “Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay” diễn ra vào ngày 5/11/2020, do Hiệp hội Bất động sản việt Nam bảo trợ, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức.

Trong nhiều năm qua, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được biết đến với nhiều ưu thế nổi bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối. Là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nút giao thông lớn như: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, đường vành đai 3 và 4…, Long Thành dễ dàng kết nối giao thông với TP.HCM và các đô thị lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đáng chú ý, Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản của khu vực.

Theo quy hoạch, Sân bay Long Thành có quy mô 5.000ha, có công suất chứa 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Khi Sân bay Quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu bất động sản để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt. Năm 2021 được dự báo sẽ mang lại cho Long Thành nói riêng và thị trường bất động sản phía Nam nói chung những vận hội mới.

Từ lý do trên, được sự bảo trợ và chỉ đạo của Hiệp hội Bất động sản việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức chương trình Tọa đàm: “Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay”.

Tọa đàm sẽ tập trung luận bàn về xu hướng và tiềm năng thị trường bất động sản một số khu vực trọng điểm phía Nam, trong đó trọng tâm thảo luận về cơ hội đầu tư bất động sản tại Long Thành. Thông qua đó, chia sẻ kinh nghiệm từ những nhà phát triển bất động sản uy tín.

Thời gian: 13h30 đến 17h00, thứ Năm, ngày 5/11/2020

Địa điểm: Cung Triển lãm Kiến trúc Quy hoạch Xây dựng Quốc gia, Số 01 Đỗ Đức Dục, Nam Từ Liêm, Hà Nội

Thành phần: Lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, các chuyên gia kinh tế vĩ mô, các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, thị trường và lãnh đạo các doanh nghiệp, phóng viên các cơ quan báo chí.

Tiêu điểm sự kiện

    16:30

    TS. Võ Trí Thành kết luận toạ đàm

    Xin trân trọng cảm ơn tất cả các diễn giả đã tham gia và chia sẻ những ý kiến, quan điểm rất thú vị về xu hướng, cơ hội và lưu ý khi đầu tư bất động sản sân bay Long Thành  trong buổi tọa đàm ngày hôm nay. Năm 2021 hứa hẹn sẽ là vận hội mới cho thị trường bất động sản Long Thành nói riêng và các khu vực trọng điểm phía Nam nói chung. 

    Ở diễn đàn ngày hôm nay, có tới 4 diễn giả dành niềm tin gần như tuyệt đối vào tiến độ của Dự án Sân bay Long Thành. Lắng nghe những chia sẻ của các chuyên gia trong Hội thảo này, cá nhân tôi đi đến kết luận, nhà đầu tư dự án hay nhà đầu tư thứ cấp hãy quan tâm đến khả năng kết nối, thứ hai là cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, thứ ba là không thể thiếu vai trò của các doanh nghiệp, những cánh chim đầu đàn tiên phong và thứ tư là tiềm năng lợi thế của địa phương.

    Trong tôi cũng có ít nhiều băn khoăn khi chứng kiến và trải nghiệm 35 năm đổi mới của Việt Nam. Chúng ta có mức phát triển khá trên thế giới nhưng chúng ta thiếu quyết liệt về ý tưởng, đưa ra quyết định và triển khai thực thi.

    Nhưng tôi là người Việt, vì thế sau tất cả, tôi mong Dự án sân bay Long Thành sẽ được thực hiện theo đúng mong muốn và hy vọng của chúng ta để nó có thể thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. 

    Một lần nữa xin trân trọng cảm ơn.

     

    Chú thích ảnh
    Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm 

    16:25

    Ông Vũ Cương Quyết chia sẻ quan điểm

    Chú thích ảnh

    Thứ nhất, tôi nghĩ rằng nếu dự án sân bay Long Thành không hoàn thành được thì TP.HCM sẽ bế tắc về hạ tầng sân bay. Minh chứng cụ thể là thời điểm này dù vẫn đang ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng sân bay Tân Sơn Nhất vẫn xảy ra tình trạng tắc, đông nghẹt người. Còn tại thời điểm này năm ngoái, chúng ta mất tới 45 - 50 phút để vào được sân bay nếu đi ô tô, do đó, việc phát triển sân bay Long Thành là đòi hỏi và yêu cầu bắt buộc của thực tiễn. 

    Thứ hai là mục tiêu giải ngân đầu tư công, Chính phủ cũng rất quyết liệt. Trong Covid-19 trên 90% diện tích đã được giải phóng mặt bằng.

    Thứ ba là trong khoảng từ 2016 - 2020, chúng ta có nhiều bước tiến quyết liệt trong hoạt động của Chính phủ. Với nhiệm kỳ mới, chúng ta hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào hệ thống chính trị. Doanh nghiệp rất tin tưởng vào điều đó và sẽ có thêm động lực để hiện thực hoá các mục tiêu, dự án quan trọng đã đề ra. 

    16:22

    TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi

    Ý tưởng phát triển là đúng, nhưng để làm được thì cần rất nhiều yếu tố liên quan.

    Có thể thấy sức cuốn hút của sân bay Long Thành là rất nhiều. Thứ nhất, dự án ấy gắn với rất nhiều câu chuyện xung quanh. Thứ hai là ý nghĩa của nó cực kỳ lớn, xét với sân bay cạnh tranh trong quốc tế, xét về sức lan tỏa với Long An, khu vực Đông Nam bộ, cũng như cả nước. Như vậy, xét về góc độ đầu tư bất động sản thì Long Thành rất hấp dẫn. Tuy nhiên, đây là 1 bài toán rất lớn, cho nên đòi hỏi sự vào cuộc của các bên liên quan, bên cạnh đó, vấn đề quy hoạch cần rõ ràng, minh bạch.

    Dù thế nào thì vấn đề quy hoạch vẫn là vấn đề lớn, và sau đó còn rất nhiều vấn đề liên quan khác như sự tham gia của các tập đoàn lớn vào đây, từ đầu tư công nghiệp, đầu tư các lĩnh vực khác, rồi vấn đề dịch chuyển dân cư, vấn đề năng lực quản lý của bộ máy địa phương gắn với kết nối vùng TP.HCM, Đồng Bằng Sông Cửu Long và Trung ương...

    16:17

    Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh chia sẻ quan điểm

    Nhìn từ tiềm năng của thị trường Long Thành, tỉnh Đồng Nai có quy hoạch các khu vực, khu vực này làm logistic cho sân bay, khu vực này làm nhà ở, khu đô thị,… Đất Xanh đi đấu giá 1 khu đất mà tỉnh đã quy hoạch làm khu đô thị, nhà ở.

    Dự án này rất hay, gần các cụm trường đại học mà Đồng Nai đã quy hoạch, gần khu vực quy hoạch cho xây dựng tòa nhà Quốc hội phía Nam.

    Về concept phát triển dự án thì phía Tập đoàn Đất Xanh định hướng phát triển khu Thương mại - Dịch vụ - Giải trí Gem Sky World, tại đây Đất Xanh sẽ xây dựng 1 khu công viên giải trí lớn Gem Sky Park; khu trò chơi mạo hiểm - có thể nói là lớn nhất Việt Nam; thương mại là nhiều tuyến phố được quy hoạch theo mô hình bàn cờ, tuyến phố shophouse,…

    Định hướng 1 khu đô thị là Tập đoàn Đất Xanh muốn đem lại toàn bộ dịch vụ cho cư dân gần đó, vì khu vực Long Thành không có nhiều khu vực như vậy, phát triển Gem Sky World là để đáp ứng nhu cầu dịch vụ cho cư dân của toàn bộ khu vực Long Thành, tỉnh Đồng Nai và các tỉnh thành phía Nam. 

    Chú thích ảnh

    16:16

    TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ quan điểm

    Nếu hoàn thiện xong sân bay thì ít nhất cũng phải có 2 vạn người cho cả sân bay, cơ sở hạ tầng xung quanh, logistics, kéo thêm gia đình họ là 4, 5 vạn người. Ngay khi sân bay Long Thành vận hành đi vào hoạt động, thì nó đã phải cần một số lượng rất lớn nhu cầu nhà ở, giải trí, thương mại dịch vụ…

    16:15

    TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi cho các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp

    Chú thích ảnh

    Anh Chiến đã nói rất rõ, vị trí đúng rồi, kết nối chuẩn rồi, cơ hội đầu tư phong phú, tiềm năng rất lớn. Tuy nhiên tôi vẫn rất phân vân, trong trường hợp của Long Thành, cụ thể phát triển như thế nào mới là tốt, phát triển song song hay phát triển từng phần. Chúng ta cùng thảo luận và chia sẻ quan điểm về vấn đề này. 

    15:53

    Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam bày tỏ quan điểm

    Tiếp ý kiến của anh Đính, tôi xin chia sẻ thêm về câu chuyện quy hoạch. Chúng ta đã phân tích việc ra đời của sân bay tác động như thế nào đến Đồng Nai và các vùng lân cận. Giờ nhìn Đồng Nai nằm trong vị trí của khu vực phía Nam sẽ thấy. Quy hoạch vùng TP.HCM thấy, TP.HCM chính là hạt nhân trung tâm. Còn Long Thành nằm ở đâu, chính là ở Đồng Nai. Hướng mở rộng của TP.HCM đi đâu chính là vấn đề đang cân nhắc. Bởi quy hoạch ở đây sẽ không thể là phát triển theo vết dầu loang được.

    Ở đây muốn nói rằng, theo quy luật phát triển đô thị, việc kết nối hạ tầng, phát triển sân bay, cảng nước sâu chính là điểm hút mạnh. Và khi chọn Long Thành với sân bay chính tạo ra một cực hút rất mạnh cho khu vực TP.HCM. Sân bay Long Thành không còn là sân bay nội địa mà là sân bay quốc tế. Bởi nhu cầu vận chuyển hành khách hàng hoá ngày càng lớn trong khi các sân bay như Tân Sơn Nhất đã quá tải. Cho nên, giờ đặt vấn đề câu chuyện Long Thành và là vấn đề phát triển không cưỡng lại được, nó là chương trình ưu tiên trước mắt phải làm chứ không phải là tầm nhìn dài hạn nữa.

    Chú thích ảnh

    Tuy nhiên, từ giờ đến lúc hoàn thiện sân bay trở thành thành phố sân bay sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề đó là nâng cấp đô thị lên cấp 1, 2. Mong muốn trở thành thành phố sân bay cần tính dài hơi vì đất đai ở đây vẫn còn hoang sơ, các khu đô thị lớn vẫn còn chưa phát triển. Đây chính là việc muốn trở thành một thành phố Long Thành trong tương lai thì việc cần phải bắt tay ngay vào thực hiện chính là cần phát triển hạ tầng giao thông hàng đầu rồi đến điện, nước rồi mới hình thành lên nhà ở, hạt nhân của các đô thị. 

    Về mặt quản lý hành chính thì phải từ thị xã lên được đô thị… Mong muốn là có nhưng phải có định hướng nền móng để các nhà đầu tư có thể đầu tư vào. Tóm lại, phải có quy hoạch vùng liên tỉnh, quy hoạch chung, quy hoạch tỉnh… rồi đến quy hoạch chi tiết dự án. Và trong quá trình này sẽ còn nhiều điều chỉnh sao cho phù hợp.

    Nếu đã có quy hoạch của đô thị Long Thành rồi thì phải có quy hoạch cụ thể về sân bay Long Thành, về đầu mối giao thông đi qua sân bay là các tuyến cao tốc. Muốn đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá ở Long Thành cũng buộc phải đẩy nhanh các tuyến cao tốc kết nối, quan trọng nhất là Bến Lức – Long Thành – Dầu Giây. Ngoài ra, có cả các kết nối của hàng không, cảng cụm nước sâu, đường sắt…

    Biên Hoà, Vũng Tàu, Thủ Dầu Một chính là đô thị loại 1 nên vị trí kế cận Long Thành chính là điểm mà các nhà đầu tư đang hướng đến.

    Tóm lại cần công khai hoá tất cả các quy hoạch hiện nay và phân loại tất cả các dự án để nhà đầu tư nắm được. Cốt lõi của vấn đề có thể khẳng định khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc bất động sản: Nhà ở, công nghiệp, văn phòng, thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp, bất động sản hạ tầng và có thể là bất động sản du lịch tâm linh. Như vậy, trong kế hoạch ưu tiên chính là sân bay Long Thành và kết nối hạ tầng xung quanh.

    15:50

    TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi cho đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về tiềm năng, cơ hội phát triển BĐS từ quy hoạch sân bay Long Thành

    Chú thích ảnh

    15:42

    Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam trả lời

    Long Thành 2 năm trở lại đây có những biến động rất mạnh. Tôi nhận thấy ngay từ khi có chủ trương Quốc hội cho xây dựng sân bay Long thành đã có sự biến động rất mạnh ở đây.

    Ghi nhận từ sàn giao dịch, sàn môi giới, chúng tôi thấy một sự biến động lớn. Dù chưa biết bao giờ sân bay sẽ xây xong nhưng biến động giá đất đai đang rất mạnh. Ghi nhận từ năm 2018 đến 2019 là tăng gấp đôi về giá đất. Năm 2018 giá đất Long Thành đã nhảy múa so với trước đó, sau khi dự án được phê duyệt mức giá đã lên khoảng 8 - 15 triệu đồng/m2, đến năm 2019 thì mức tăng bình quân dao động từ 15 - 30 triệu đồng/m2. Đây là sự tăng vọt về giá đất.

    Chú thích ảnh

    Trong năm 2020 ảnh hưởng Covid nhưng chúng tôi ghi nhận vẫn tiếp tục tăng giá so với năm 2019.

    Cần ghi nhận rằng giá bất động sản tại khu vực trung tâm Long Thành đang tăng mạnh, giá đất hiện nay như ông Vũ Quốc Việt Nam nói thì có nơi lên đến hàng trăm triệu đồng/m2.

    Tôi muốn bổ sung thêm rằng không phải chỉ đến từ hiện tượng xây dựng sân bay Long Thành mà còn đến từ sự khan hiếm nguồn hàng.

    Nguồn cung từ TP.HCM gần như không còn mấy trên thị trường, đặc biệt, giá bất động sản tại TP.HCM đang tăng rất mạnh và có sự tăng ảo. Qua đó, các nhà đầu tư sẽ tìm đến các vùng đất mới để tìm kiếm cơ hội, và Long Thành là 1 điểm đến như vậy.

    Như số liệu về nhu cầu tìm kiếm, quan tâm tới bất động sản của Long Thành cũng như Đồng Nai mà ông Quốc Anh đưa ra, chính là một lời giải thích cho hiện tượng đó.

    Thêm một nguyên nhân nữa, như PGS.TS. Trần Kim Chung nói, tam giác Biên Hòa - TP. Thủ Đức - Long Thành, đây cũng là một nguyên nhân, việc TP.HCM đề xuất phát triển TP. Thủ Đức - nếu ý tưởng này được phê duyệt, thì đây chính là 1 thành phố về tài chính, đào tạo ra lao động chất lượng cao,

    Tham vọng của đề án là khu vực này sẽ chiếm tỷ trọng, mang đến giá trị GDP rất lớn, mục tiêu hướng đến thì sẽ có hàng triệu lao động chất lượng cao.

    Tại đây sẽ phải ưu tiên phát triển các trung tâm tài chính, sáng tạo, công nghệ. Lao động tại khu vực có thu nhập cao, nhu cầu chất lượng sống cao. Nếu phát triển nơi ở cho nhóm lao động này tại TP.HCM thì sẽ rất khó vì không còn quỹ đất, thì đây chính là cơ hội cho các vùng giao thoa như Bình Dương, Đồng Nai,… Do vậy, không chỉ Long Thành mà cả khu vực phía Đông Nam bộ đang có hiện tượng tăng giá.

    15:41

    TS. Võ Trí Thành đặt câu hỏi

    Ta thấy sự biến động rất rõ tại thị trường bất động sản Long Thành. Như anh Quốc Anh trình bày, theo tôi hiểu có 2 lý do cơ bản là quy hoạch và ảnh hưởng của dịch Covid-19.

    Xin hỏi anh Nguyễn Văn Đính, thời gian qua và nhìn cả tương lai sắp tới, anh thấy vai trò chính sách, cách làm, sự thay đổi chính sách; vấn đề giải phóng mặt bằng, quy hoạch tác động như thế nào đến tiến trình đầu tư, thực hiện các dự án cũng như tâm lý của các nhà đầu tư vào vùng Long Thành?

    15:38

    Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn trả lời

    Chú thích ảnh
    Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn trả lời 

    Long Thành là một dự án rất lớn của Việt Nam trong 50 năm tới đây. Trong 2 năm qua, lượng tin của batdongsan.com.vn ghi nhận ở 3 mốc: tháng 10/2018: 5.000 tin; tháng 10/2019: 10.000 tin; tháng 10/2020: 6.000 tin . Lượng truy cập vẫn duy trì theo 3 mốc này trung bình ở 800 - 10.000 vào bất động sản Long Thành. Mặc dù thời gian qua do ảnh hưởng của Covid-19 nhưng lượng truy cập vẫn ở 80.000 lượt. Ngoài ra, tháng 6 tới tháng 8 vừa qua có một số thông tin chưa tốt của thị trường xoay quanh về đất nền nên mới dẫn đến đôi chút sụt giảm.

    Về giá: Mặt bằng giá trung bình đất tại Long Thành từ năm 2018 tăng lên 8 - 12 triệu đồng/m2 và tính đến hiện tại trung bình là 17 triệu đồng/m2. Lượng dự án hiện nay cô đọng ở một số chủ đầu tư nên giá ổn định ở những dự án này.

    Xét về mặt số liệu, lượng quan tâm và chỉ số chung ở thị trường Long Thành đang tốt lên. Nếu có quy hoạch ổn định thì lượng quan tâm và mặt bằng giá sẽ còn tốt hơn nữa.

    15:35

    TS. Võ Trí Thành bắt đầu điều phối phiên thảo luận

    Chú thích ảnh

    Cảm ơn chia sẻ của Tập đoàn Đất Xanh, đơn vị gắn liền với các dự án bất động sản khu đô thị ở Long Thành.  Tiếp theo đến phiên thảo luận. 

    Tiềm năng ở Long Thành, dự án của Tập đoàn Đất Xanh và rộng hơn là bất động sản ở khu vực Đông Nam Bộ. 

    Câu hỏi đầu tiên dành cho đơn vị Batdongsan.com.vn, trong nhiều năm trở lại đây, quan sát từ đơn vị thì biến động của bất động sản Long Thành có sự thay đổi như thế nào? Có những lưu ý gì khi đầu tư vào Long Thành?

    15:18

    Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh phát biểu

    Chú thích ảnh

    Nhìn lại vài nét sơ lược về thị trường bất động sản TP.HCM trong 5 năm qua, từ 2015, đến 2019 và 2020. Năm 2015, tại TP.HCM, giá chung cư tùy theo sẽ từ mức 15 - 30 triệu đồng/m2. Đến 2020, tại Quận 2, giá căn hộ cao nhất có thể lên tới 200 triệu đồng/m2; Quận 7 từ 40 - 70 triệu đồng/m2; Quận 9 từ 35 - 40 triệu đồng/m2… Nhu cầu bất động sản ở TP.HCM là rất lớn, tăng liên tục từ năm 2015 - 2019, từ 2019 đến nay thì cầu rất lớn. Quỹ đất không còn, nguồn cung hiếm do pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn đến thiếu nguồn cung, nên người mua để ở, nhà đầu tư bắt đầu lan ra vùng xung quanh. nguồn lực để chăm sóc 1 liên minh, như vậy, xây dựng được 1 liên minh thì chúng ta đã có dòng tiền ổn định cho nhu cầu phát triển.

    Tại thị trường Bình Dương, cách đây mấy năm không ai nghĩ căn hộ sẽ lên đến 40 triệu đồng/m2. Năm nay, ngay sau mùa Covid, có dự án lên tới 35 - 40 triệu đồng/m2. 

    Từ TP.HCM, nhu cầu dịch chuyển ra tới Bình Dương và Đồng Nai.

    Về Đồng Nai, dân số ở đây 3,1 - 3,2 triệu dân. Tỷ lệ tăng dân số bình quân là 2,2%. Ở đây có hơn 32 khu công nghiệp lớn nhỏ, tỷ lệ lấp đầy 80%. Trước đây khi nghĩ đến Đồng Nai,  ta sẽ nhớ đến “cái nôi của các khu công nghiệp Việt Nam với khu công nghiệp Biên Hòa”.

    Đồng Nai và Bình Dương là 2 thủ phủ khu công nghiệp và Đồng Nai còn phát triển sớm hơn với Bình Dương. Việc dân số từ các nơi đổ về đây là rất lớn. Nhu cầu dịch chuyển từ TP.HCM ra đây cho thấy xu hướng rất lớn.

    Nói đến bất động sản là nói đến cơ sở hạ tầng, ở đâu có cơ sở hạ tầng thì bất động sản sẽ phát triển theo sau.

    Nói về cơ sở hạ tầng ở Đồng Nai có thể thấy sự đầu tư của Chính Phủ và tỉnh là rất lớn, không chỉ ngắn hạn trong 10 năm mà là 30 năm. Ví như cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đồng Nai và Vũng Tàu cũng đang nghiên cứu làm cao tốc kết nối hai tỉnh này…

    Ngoài ra, cụm cảng Cái Mép cũng lớn nhất ở Việt Nam… Có nghĩa là sân bay Long Thành là cái lõi để các tuyến cao tốc kết nối xung quanh. Như vậy, có hai cơ sở hạ tầng lớn hàng đầu ở Long Thành là sân bay và cảng nước sâu cùng với 5 tuyến cao tốc và cầu Cát Lái. Như vậy, đây là khu vực cực kỳ tiềm năng với quy mô đầu tư lớn.

    Các nhà đầu tư bất động sản đều gắn liền với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đó là lý do mà Tập đoàn Đất Xanh cũng có 1 dự án ở khu vực này.

    Cách đây khoảng hơn 1 tháng, tôi đã đi khảo sát thực tế, Long Thành có tuyến đường trung tâm là tuyến đường Lê Dũng. Một điều rất ngạc nhiên là giá đất dọc tuyến đường này lên tới 70 - 120 triệu đồng/m2. Trong khi ở xung quanh, giống như các chuyên gia đã chia sẻ, thì đây chỉ đơn thuần là vùng nông nghiệp, tuy nhiên, Long Thành là vùng nông nghiệp về cây công nghiệp, đặc biệt là cây cao su.

    Do vị trí và kết nối xung quanh thuận lợi nên nhu cầu rất cao, khiến bất động sản khu vực này có nhu cầu rất lớn.

    Về chia sẻ của TS. Lê Xuân Nghĩa, doanh nghiệp khi làm dự án cũng đã tập trung tới câu chuyện đầu tư cơ sở hạ tầng. Về phía Tập đoàn Đất Xanh, chúng tôi luôn tuân thủ theo các quy định của Nhà nước, khi làm các đường dẫn, đã xin phép và đồng hành cùng chính quyền để xây dựng các cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch tỉnh, huyện, phục vụ đời sống cư dân dự án và khu vực lân cận.

    Một ý rất hay của TS. Lê Xuân Nghĩa nữa là TP.HCM hiện cứ mưa là ngập lụt, trước thực trạng ấy thì việc dịch chuyển lên một vùng khác là nhu cầu hiện hữu, trước sau gì cũng sẽ diễn ra.

    Có lẽ các nhà quy hoạch Pháp cũng đã tính toán khi bắt đầu quy hoạch Long Thành. Vùng đất Long Thành rất cao, cứng, phù hợp với đất làm sân bay. Do đó, dân cư không chỉ TP.HCM mà từ miền Tây nếu muốn dịch chuyển thì lên Đồng Nai là phù hợp.

    Đối với chia sẻ về quy hoạch của sân bay Long Thành, Tập đoàn Đất Xanh khi đầu tư dự án quy mô lên tới 100ha ở Long Thành, chúng tôi hoàn toàn tuân thủ quy hoạch và nằm trong định hướng quy hoạch sân bay của tỉnh Đồng Nai. Pháp lý và quy hoạch là hoàn toàn tuân thủ theo quy định của nhà nước.

    Theo tôi đánh giá thì quy mô, tiềm năng rất lớn đang được tập trung về Long Thành. Về vùng đất thổ nhưỡng này, là vùng rất tốt, người Pháp đã quy hoạch khu vực này để trở thành một thành phố sân bay rất lớn trong tương lai.
     

    15:15

    TS. Võ Trí Thành điều phối Tọa đàm

    Long Thành là một bài toán lớn. Do đó, không chỉ là câu chuyện của tỉnh mà của cả Trung ương. Vốn cũng không chỉ vay ở ngân hàng xây một vài khu nhà mà cần phải có một quỹ rất lớn. Nhìn Long Thành không chỉ là ở sự kết nối với TP.HCM nữa mà là kết nối toàn vùng. Trân trọng mời ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh trao đổi về nhu cầu, tính thanh khoản của bất động sản sân bay Long Thành.

    15:00

    TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, phát biểu

    Chú thích ảnh

    Điều thứ nhất tôi muốn nhấn mạnh, ở Việt Nam nếu có 1 đô thị nào mới và lớn trong 50 năm nữa thì chỉ có thể là Long Thành. Vì không còn nơi nào còn đất, có vị trí đẹp, có nhiều thuận lợi về hạ tầng, vị trí. Chính Quốc hội cũng đã cân nhắc rất kỹ về việc phát triển Long Thành với các tiềm năng để có thể phát triển tầm cỡ với khu vực. Đây chính là một thành phố mới của Việt Nam.

    Như các chuyên gia cũng đã nói, Long Thành là một thành phố của nhiều tiềm năng song lại đặt ở trong khu vực phát triển nông nghiệp. Nên chăng Chính phủ, Trung ương cần có những quy hoạch dài hạn cho khu vực này. Nếu Tập đoàn Đất Xanh tập trung phát triển vào đây tức là đã có tầm nhìn dài hạn về khu vực này. Song cần có quỹ vốn lớn để sẵn sàng phát triển dài hạn vì có thể sẽ phải tự quy hoạch đầu tư hạ tầng, mở thêm các đường, trường, trạm.

    Thêm nữa, tiềm năng phát triển Long Thành cần phải nhìn dài hạn. Được biết, hiện có 18,7 tỷ USD đổ vào dự án Long Thành nhưng tôi cho rằng vậy là chưa đủ. Nơi đây có lẽ phải cần đến 30 tỷ USD. Bởi nơi đây rồi sẽ thu hút dân cư đến sống, sẽ đòi hỏi phải phát triển lâu dài với các công trình gắn với sự phát triển về nhà ở, logistic… 

    Có ý kiến cho rằng, TP.HCM tương lai có thể phải di chuyển 1/3 dân cư và có nghĩa là về lâu dài, cơ cấu lại dân số tại TP.HCM sẽ không còn nơi nào khác có thể di chuyển tới ngoài Long Thành. Nơi đây sẽ trở thành nơi liên tỉnh, liên vùng gắn chặt với TP.HCM.

    14:50

    TS. Võ Trí Thành điều phối Tọa đàm

    Với những trình bày của TS. Vũ Đình Ánh có thể thấy tiềm năng từ vị trí, kinh tế, khả năng kết nối, dân cư của Long Thành gắn với bất động sản nông nghiệp, công nghiệp, khu đô thị rất rõ ràng. Tiếp theo mời TS. Lê Xuân Nghĩa phát biểu với những phân tích sâu hơn về câu chuyện quy hoạch.

    14:40

    TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Kinh tế phát biểu

    Mặc dù đến ngày 11/5/2019, Bộ Xây dựng mới ban hành quyết định công nhận thị trấn Long Thành là đô thị loại IV, song Long Thành có khả năng vươn lên thành một thành phố trực thuộc tỉnh gắn với chuỗi đô thị TP.HCM, TP. Biên Hòa và TP.Vũng Tàu.

    Về câu chuyện phát triển thành phố sân bay, có thể nhìn nhận câu chuyện hiện tại, tất cả các sân bay hiện nay đã xây dựng tại Việt Nam và trong quy hoạch sắp tới đây chưa ở đâu chỉ ra rằng chúng ta sẽ có thành phố sân bay. Từ đó để thấy mô hình thành phố sân bay Long Thành là chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

    Tiềm năng, cơ hội của Long Thành là rất lớn, nhưng đây là mô hình hoàn toàn mới nên sẽ cần nhiều yếu tố đi kèm, xây dựng để có thể phát triển.

    Khi nói đến Long Thành tôi nói về 1 tổng kho Long Bình. Long Bình nằm ở TP. Biên Hòa, Long Thành có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm khu vực kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ, Long Thành hoàn toàn có cơ hội nằm trong chuỗi đô thị TP.HCM, TP. Biên Hòa và TP. Vũng Tàu.

    Tiềm năng lớn nhất của Long Thành là vị trí, chưa nói đến câu chuyện Long Thành được chọn làm 1 dự án ấp ủ đã từ rất lâu là sân bay Long Thành.

    Về diện tích của Long Thành là 430km2. Về dân số, chưa đến 246.000 người, như vậy, mật độ dân số rất thấp. 

    Chú thích ảnh
    TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia Kinh tế phát biểu

    Ngoài ra khi nhìn vào kinh tế Long Thành, bất động sản Long Thành nói riêng, Đồng Nai nói chung có 1 lĩnh vực bất động sản rất thú vị là bất động sản nông nghiệp gắn với trồng trọt và chăn nuôi bò sữa. Chúng ta có thể thấy tiềm năng bất động sản Long Thành đang thu hút và phát triển rất tốt chính là bất động sản nông nghiệp, đã có tiềm năng sẵn có.

    Tiềm năng nữa là bất động sản công nghiệp, Đồng Nai là điểm lý tưởng cho bất động sản công nghiệp cùng với Bình Dương và TP.HCM. Tiếp tục phát triển bất động sản công nghiệp chính là tiềm năng lớn trong tương lai của khu vực này.  

    Đặc biệt, bất động sản khu đô thị ở Long Thành đang phát triển rất tốt. Nơi đây hiện đang có 5 khu đô thị được xây dựng. Do đó cần nắm bắt được cơ hội, phát triển bất động sản nhà ở gắn với khu đô thị ở đây sẽ gắn với đối tượng như thế nào?

    Rõ ràng, sân bay Long Thành nằm trong vị trí có nhiều tiềm năng khi so sánh với hơn 700 huyện của cả nước. Trước khi có sân bay, Long Thành đã có rất nhiều thuận lợi về hạ tầng giao thông.

    Chú thích ảnh
    TS. Vũ Đình Ánh

    Tiếp đó là tiềm năng về cơ sở hạ tầng giao thông.

    Long Thành có những lợi thế đặc biệt về mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Đây chính là điều kiện then chốt tạo nên sức hấp dẫn và triển vọng phát triển bất động sản ở Long Thành.

    Hệ thống đường giao thông do Trung ương đầu tư gồm các tuyến đường cao tốc đi qua địa bàn Long Thành gồm: Tuyến đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (đang triển khai xây dựng), Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (đã đưa vào sử dụng), Tuyến đường cao tốc Bến Lức - Nhơn Trạch - Long Thành (dự kiến năm 2020 thông xe song Dự án dài 57km với tổng vốn đầu tư 31.000 tỷ đồng sau 6 năm khởi công vẫn dang dở do thiếu vốn)...

    Bên cạnh đó là các tuyến đường tỉnh, đồng thời, Long Thành cũng đẩy mạnh khai thác lợi thế đường thủy như: Xây dựng bến tàu khách trên sông Đồng Nai, Bến tàu khách Gò Dầu trên sông Thị Vải...

    Đặc biệt, dự án xây dựng cụm Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với quy mô diện tích 5.000ha và công suất 80 - 100 triệu lượt hành khách/năm sẽ biến Long Thành trở thành trung tâm vận tải hàng không không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khu vực.

    Ngoài ra, sự phát triển đồng bộ gồm đường bộ - đường sắt - đường thủy - hàng không gắn kết với các vùng là lợi thế và động lực thúc đẩy kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, góp phần tích cực sớm đưa huyện Long Thành trở thành thị xã và nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí để trở thành Thành phố Long Thành.

    Tiềm năng tiếp theo là chính quyền Đồng Nai và chính quyền Long Thành rất quan tâm tới vấn đề về kết nối giao thông, kết nối giao thông đường bộ - đường thủy, đường hàng không của Long Thành với các đầu mối giao thông khác.

    Vậy để thấy, Long Thành hoàn toàn có thể trở thành tâm điểm của trung tâm với những điều kiện kết nối như trên.

    Một yếu tố nữa là tiềm năng về quy hoạch. Hiện tại Long Thành mới chỉ dừng lại ở quy hoạch nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch mang tính tầm nhìn về 1 thành phố sân bay.

    Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đã từng chia sẻ với báo chí rằng họ sẽ làm quy hoạch trước rồi sau đó mới đẩy mạnh câu chuyện thu hút vốn. Với cách làm như vậy, các nhà đầu tư bất động sản rất cần tham gia ngay với địa phương từ khâu quy hoạch để có điều kiện tốt nhất cho câu chuyện phát triển.

    Cuối cùng, với tiềm năng hiện tại của Long Thành thì hoàn toàn có thể xây dựng Long Thành trở thành trung tâm của cả nước thậm chí là khu vực, đó là trung tâm kho vận, logistic. Với định hướng này, bên cạnh bất động sản công nghiệp, nông nghiệp, đô thị nhà ở thì các nhu cầu về bất động sản văn phòng, kho bãi, thương mại dịch vụ hoàn toàn là tiềm năng lớn.

    14:35

    TS. Võ Trí Thành điều phối Tọa đàm

    Xin cảm ơn bài đề dẫn rất đầy đủ của ông Trần Kim Chung. Tiếp theo, xin  mời TS. Vũ Đình Ánh trình bày về Tiềm năng bất động sản Long Thành

    14:15

    PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, phát biểu

    Phát triển thị trường bất động sản Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm từ năm 1986, là thị trường phát triển muộn nhất trong các phân mảng thị trường trong nền kinh tế Việt Nam. Đến nay, một số xu hướng mới trong dòng chảy của thị trường bất động sản đã được định hình.

    Có 8 xu thế phát triển của thị trường bất động sản hiện nay.

    Một là, xu hướng các đại đô thị: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long; TP.HCM - Biên Hòa - Thủ Dầu Một - Long An; Đà Nẵng - Hội An - Điện Bàn; Nha Trang - Cam Ranh. 

    Hai là, các khu đô thị mới - thông minh - thiết kế tổng thể như TP. Thủ Đức, Ecopark, TP thông minh Bắc sông Hồng… 

    Ba là, các đại resort như Phú Quốc, Vân Đồn, Hồ Tràm, Hạ Long, Sầm Sơn, Nhơn Hội. 

    Bốn là, các khu liên hợp khu công nghiệp - đô thị: Tràng Duệ (LG), Bắc Ninh (Samsung), Thái Nguyên (Samsung) và tiếp đến là các địa bàn của đối tác Apple… 

    Năm là, các khu đổi mới sáng tạo - công nghệ cao như Quang Trung, Láng Hòa Lạc, Đà Nẵng. 

    Sáu là, các khu đô thị biệt thự cao cấp. Việc hình thành các khu đô thị siêu sang đang ngày càng được khẳng định.

    Bảy là, các tòa nhà - căn hộ siêu sang, tạo ra quan niệm khác về chất lượng sống. 

    Tám là, các khu phố cổ - phố cũ được mua gom, chuyển đổi công năng, hình thành nên các tòa nhà liên hợp. Các chuỗi khách sạn hạng sang được xây dựng tại các khu phố cổ đang thay thế các căn nhà phố và tiếp tục được phát triển.

    Chú thích ảnh
    PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, phát biểu tham luận

    Nguyên nhân, các động lực thúc đẩy của xu hướng mới đối với thị trường bất động sản: 

    Một là, tầng lớp trung lưu phát triển mạnh dẫn đến nhu cầu dịch chuyển dần.

    Hai là, quy luật tái cơ cấu thị trường, chủ thể và sản phẩm. Một mặt các sản phẩm giá thấp và nhà ở xã hội được tăng cường. Mặt khác, nhu cầu bất động sản cao cấp và siêu sang cũng được định hình.

    Ba là, nhu cầu phát sinh, phát triển. Cùng với việc gia tăng của nhóm người trung lưu, cùng với việc cơ cấu sản phẩm bất động sản dịch chuyển ra hai đầu, đó là nhu cầu bất động sản siêu sang hình thành.

    Bốn là, nền kinh tế hội nhập, độ mở cao, nguồn lực vận hành vào kéo theo quá trình đô thị hóa, Việt Nam là điểm đến thay thế Trung Quốc, các đối tượng cao cấp dịch chuyển đến.

    Năm là, lối sống đô thị bắt đầu hình thành ở một tầm mức mới. Cùng với việc công nghiệp hóa, một lực lượng lao động lớn đang ngày một tập trung vào các đô thị. Kéo theo đó là quá trình đô thị hóa.

    Sáu là, nguồn vốn vận hành vào nền kinh tế Việt Nam ngày càng lớn tính trên 1 chủ đầu tư, dẫn đến quy mô dự án và quy mô công trình lớn kéo theo quy mô bất động sản gia tăng.

    Bảy là, các công trình hạ tầng lớn ra đời, kéo theo những thay đổi lớn về tiếp cận thị trường, quy mô thị trường và giá trị bất động sản. Đặc biệt, xu hướng tăng giá trị trên một đơn vị sản phẩm gắn liền với sự gia tăng giá trị của bất động sản dưới tác động của phát triển cơ sở hạ tầng. Một loạt các công trình hạ tầng lớn được đi vào hoạt động như sân bay Long Thành, Cảng Tân Vũ Lạch Huyện, Sân bay Vân Đồn, Cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; khởi công Đường cao tốc Bắc - Nam…

    Cơ hội và thách thức của thị trường bất động sản từ Dự án sân bay Long Thành

    Về dự án sân bay Long Thành, có tổng diện tích trên 5.000ha nằm trên 6 xã của huyện Long Thành, tổng mức đầu tư 18,7 tỷ USD. Dự án có công suất phục vụ 100 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Sân bay Long Thành cách thành phố Biên Hòa 30km về hướng Tây - Bắc; cách thành phố Thủ Đức khoảng 40km về hướng Tây…

    Dự án sân bay Long Thành có vùng ảnh hưởng rất lớn.

    Một là, trong bán kính 5km: Ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản dân cư: Nhà ở, cửa hàng, nhà tiếp vận.

    Hai là, trong bán kính 10km: Các dịch vụ tiện ích cho sân bay, các dịch vụ tiện ích cho cư dân sống và làm việc tại sân bay…

    Ba là, trong bán kính 15km: Bất động sản công nghiệp, sẽ có bước phát triển đột phá của các nhà máy có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường không.

    Bốn là, trong bán kính 30km: Ảnh hưởng đến bất động sản của tất cả các loại hình của thành phố lân cận như Thủ Đức, TP. Biên Hòa.

    Năm là, trong bán kính 50 - 70km, ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản của các địa bàn: Vũng Tàu, Bình Dương, Long An.

    Sáu là, trong 150km, ảnh hưởng đến hành khách của các sân bay lân cận: Liên Khương, Nha Trang, Cần Thơ. Kinh nghiệm của sân bay Dallas - Fordwad có thể được vận dụng cho trường hợp sân bay Long Thành khi nghiên cứu về tác động lan tỏa.

    Chú thích ảnh

    Về tiềm năng: 

    Một là, Thành phố sân bay Long Thành và vùng Tam giác kinh tế sân bay Thủ Đức - Biên Hòa - Long Thành, trong phạm vi 30km từ trung tâm sân bay, các địa bàn sẽ bị thu hút để trở thành các địa bàn phục vụ cho sân bay.

    Hai là, vùng ảnh hưởng lan tỏa tích cực đối với thị trường bất động sản du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng. Bà Rịa - Vũng Tàu, sẽ được hưởng lợi cho các hoạt động du lịch và bất động sản du lịch. Cùng với việc hình thành sân bay lớn Long Thành, việc tiếp cận Bà Rịa - Vũng Tàu để khai thác lợi thế du lịch nghỉ dưỡng sẽ có một cú hích mạnh.

    Ba là, Mũi Né (Bình Thuận) cũng được lợi thế từ phát triển sân bay Long Thành trong việc tiếp cận thị trường bất động sản công nghiệp và dịch vụ. Việc sân bay Long Thành phát triển đã làm giảm thiểu hạn chế về giao thông tiếp cận đến Mũi Né (Phan Thiết như hiện nay). Bên cạnh đó, việc giảm thiểu gần 50km, làm cho Mũi Né trở thành địa bàn có khoảng cách 150km là khoảng cách được quy định là vùng ảnh hưởng của sân bay, thay vì hoảng cách 200km như hiện nay.

    Bốn là, Thủ Dầu Một, nằm đối xứng với Thành phố sân bay Long Thành qua trục Biên Hòa - Thủ Đức, một địa bàn phát triển công nghiệp sẽ kết nối vào mạng phát triển Long Thành, Thủ Đức, Biên Hòa, Thủ Dầu Một tạo thành một tứ giác phát triển công nghiệp mạnh phía Bắc TP.HCM. Điều này dần dần giảm tải cho hoạt động công nghiệp tại địa bàn TP.HCM.

    Năm là, Long An, Tiền Giang một mặt sẽ được ảnh hưởng lan tỏa của bất động sản công nghiệp, một mặt được ảnh hưởng bởi bất động sản nông nghiệp. Các sản phẩm nông nghiệp của Long An và Tiền Giang sẽ có cơ hội tiếp cận với các thị trường lớn thông qua cảng trung chuyển lớn Long Thành. Vì vậy, Long An và Tiền Giang có cơ hội phát triển bất động sản nông nghiệp.

    Chú thích ảnh
    Quang cảnh Tọa đàm

    14:10

    TS. Võ Trí Thành Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, điều phối Tọa đàm

    Chú thích ảnh
    TS. Võ Trí Thành Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, điều phối Tọa đàm

    Sân bay Long Thành trong nhiều năm qua là câu chuyện về ý tưởng và triển khai ý tưởng. Ý tưởng này đã có cách đây 26, 27 năm, nhưng đến nay mới được hiện thực hóa. Bàn về Long Thành, chúng ta cần quan tâm đến các yếu tố: 

    Thứ nhất là đầu tư vốn hiệu quả về các dự án ở Long Thành.

    Thứ hai là vấn đề lan tỏa, tác động từ câu chuyện phát triển Long Thành tới các vùng miền xung quanh, đặc biệt là Đông Nam bộ.

    Thứ ba, nói về Long Thành, như nghiên cứu của một số đơn vị nghiên cứu thị trường, thì đô thị sân bay hay thành phố sân bay Long Thành có sự kết nối rất tốt; mà cho đến nay Việt Nam chưa có trung tâm logistic nào kết nối đa phương tiện và chuẩn chỉnh như vậy. 

    Đó là những vấn đề mà tôi hy vọng các diễn giả sẽ đưa ra thảo luận sâu hơn tại Tọa đàm hôm nay.

    14:05

    Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm

    Trong số những thị trường giáp ranh TP.HCM, Long Thành (Đồng Nai) được biết đến với nhiều ưu thế nổi bật cùng tiềm năng, sức bật lớn trong mọi mặt từ kinh tế, hạ tầng, đô thị, giao thông kết nối.
    Long Thành nằm ở vị trí là cửa ngõ giao thương quan trọng với các nút giao thông lớn như: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Đà Lạt, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu, Tuyến đường vành đai 3 và 4… giúp kết nối Long Thành, Đồng Nai với TP.HCM và các khu vực nhanh chóng và thuận tiện.

    Bên cạnh đó, Long Thành còn chuẩn bị cho sự phát triển toàn phần của đại lộ Bắc Sơn - Long Thành với quy mô rộng 60m, 4 làn xe thông thoáng. Đây là trục phát triển thương mại - dịch vụ cao cấp xuyên suốt từ Biên Hòa đến sân bay quốc tế Long Thành. Sau khi hoàn thành, công trình này cùng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ trở thành hai trục kinh tế động lực song song với quốc lộ 51, đồng thời gia tăng tính kết nối cho sân bay quốc tế Long Thành và phục vụ chiến lược phát triển thành phố sân bay.

    Chú thích ảnh
    Ông  Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phát biểu đề dẫn Tọa đàm

    Đáng chú ý, Dự án sân bay quốc tế Long Thành được xem là đòn bẩy tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản của khu vực. Theo quy hoạch, sân bay Long Thành có quy mô 5.000ha, có công suất chứa 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

    Khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, Long Thành sẽ trở thành trung tâm của “thành phố sân bay” và là tâm điểm kết nối giao thương của cả khu vực. Trong tương lai không xa, nhu cầu sở hữu bất động sản để phát triển thương mại - dịch vụ và các loại hình kinh doanh ở đây sẽ tăng vọt.
    Khi xét sân bay Long Thành trong mạng lưới hàng không quốc tế thì có thể thấy ngay tầm vóc, lợi thế phát triển to lớn của nó. Trên bản đồ hàng không quốc tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam nằm ở vị trí cuối cùng của phần lớn các đường bay từ Tây sang Đông. Có thể thấy sân bay Long Thành nằm ở một vị trí lý tưởng trên bản đồ hàng không quốc tế. Đó là điểm đầu mối logistics hàng không khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được coi là vị trí thuận lợi nhất so với tất cả các cảng trung chuyển hàng không quốc tế trong khu vực hiện nay, ngay cả khi so sánh với sân bay Xu-wa-na-pum của Thái Lan và sân bay Changi của Singapore.

    Chúng ta biết rằng chi phí vận tải hàng không là đắt đỏ nhất trong các phương thức vận tải, nên việc có được một vị trí xây dựng cảng trung chuyển hàng không quốc tế đầu mối được xem là vô giá. Khi sân bay quốc tế Long Thành ra đời, nhiều luồng bay trước đây chọn Singapore hay Thái Lan là điểm cuối, thì sẽ chọn Long Thành vì kinh tế hơn.

    Với vị trí “trời cho” như vậy, chắc chắn Long Thành sau khi xây dựng sẽ trở thành cảng hàng không bận rộn nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai gần.

    Với quốc gia, sân bay Long Thành ở vị trí trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là đầu mối của những tuyến đường quan trọng nhất trong vùng Long Thành, Tân Sơn Nhất - Long Thành - Dầu Giây, Long Thành - Cái Mép.

    Vị trí đầu mối này đưa Long Thành trở thành tầm cỡ cảng cửa ngõ quốc gia và giữ vai trò là một trong ba cực của hệ thống logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gồm sân bay Long Thành, sân bay Tân Sơn Nhất và cảng nước sâu Cái Mép.

    Do vị trí trung tâm của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, sự xuất hiện của cảng trung chuyển hàng không quốc tế Long Thành sẽ tạo cho Việt Nam trở thành điểm hội tụ văn phòng điều hành của các công ty đa quốc gia, các trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng và kéo theo là nơi tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi quốc tế, phát triển du lịch, chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao..., các hoạt động góp phần đẩy mạnh, đưa hình ảnh Việt Nam ra quốc tế.

    Với những tiềm năng có được, Long Thành trở thành mảnh đất “màu mỡ” và là kênh đầu tư sinh lợi thu hút các nhà đầu tư lớn ở nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật là bất động sản.

    Những diện tích đất trong và lân cận sẽ trở nên vô cùng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vì lợi thế vận chuyển và các dịch vụ chuyên nghiệp, hấp dẫn nhất trong cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

    Ở một khía cạnh khác, đối với các nhà đầu tư bất động sản, đất nền Long Thành trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Hiện tại, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, giá đất tại Long Thành, Đồng Nai đang ở mức tương đối thấp, nhiều khu vực chỉ từ 20-30 triệu đồng/m2. Trong khi đó, với sự phát triển nhanh về cơ sở hạ tầng như hiện tại của địa phương, nhiều chuyên gia dự đoán, mức giá đất khu vực cận sân bay có thể sẽ tăng nhanh.

    Đứng trước những tiềm năng lớn của Long Thành, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào thị trường này với những dự án quy mô lớn, dự báo có sức thanh khoản tốt. Bên cạnh đó, đối với phân khúc đất nền, theo một số ghi nhận, thị trường từ đầu năm 2019 đến nay, lượng giao dịch tại những vị trí cận sân bay Long Thành tăng liên tục, sản phẩm tung ra luôn ở mức hấp thụ cao.

    Năm 2021 được dự báo sẽ mang lại cho Long Thành nói riêng và thị trường bất động sản phía Nam nói chung những vận hội mới.

    Xuất phát từ thực tiễn trên, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam tổ chức Tọa đàm chuyên đề: Bất động sản Long Thành cất cánh cùng sân bay.

    Chúng tôi hy vọng các diễn giả tham dự Tọa đàm sẽ tập trung làm rõ một số khía cạnh như: Phân tích tiềm năng, xu hướng, cơ hội của bất động sản Long Thành và nhận diện cơ hội thị trường bất động sản của các khu vực trọng điểm phía Nam trong năm 2021. Đặc biệt là đưa ra một số chỉ dẫn cần lưu ý cho các nhà đầu tư tham gia vào các khu vực này trong tương lai.

    14:00

    Toạ đàm bắt đầu diễn ra

    Chú thích ảnh

    Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam: Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

    Chú thích ảnh
    Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (phải) và ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.
    Chú thích ảnh
    Ông Đỗ Viết Chiến, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

    Các chuyên gia: TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia; TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; PGS. TS. Trần Kim Chung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế; TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam.

    Chú thích ảnh
    TS. Võ Trí Thành, Chuyên gia kinh tế, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, điều phối Tọa đàm
    Chú thích ảnh
    TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế
    Chú thích ảnh
    TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia

    Đại diện các doanh nghiệp: Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh và ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc; ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn; Đại diện BTC Tọa đàm: Nhà báo Bùi Văn Khương, Phó Tổng Biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam.

    Chú thích ảnh
    Ông Vũ Quốc Việt  Nam, Giám đốc Marketing cấp cao Tập đoàn Đất Xanh
    Chú thích ảnh
    Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Đất Xanh Miền Bắc
    Chú thích ảnh
    Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn
    Chú thích ảnh
    Ông Bùi Văn Khương, Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam

     

    Lên trên
    Ý kiến của bạn
    Bình luận
    Xem thêm bình luận

    Đọc thêm

    Lên đầu trang
    Top