Aa

Tổng Liên đoàn Lao động sẽ là cơ quản chủ quản đầu tư nhà ở xã hội?

Thứ Tư, 11/10/2023 - 15:39

Bộ Xây dựng đồng tình với đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội với tư cách là cơ quan chủ quản mà không phải trực tiếp với vai trò chủ đầu tư dự án.

Theo Bộ Xây dựng, đây là vấn đề có ý nghĩa, tác động lớn đến xã hội, đặc biệt là đối tượng công nhân, người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Do vậy, các chủ thể có thẩm quyền cần nghiên cứu, đánh giá, trao đổi kỹ lưỡng để đưa ra phương án chính sách tối ưu nhất, đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và hoàn thành mục tiêu phát triển NƠXH trên cả nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ đóng vai trò cơ quản chủ quản

Mới đây, Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Trong đó, đồng ý với đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội (NƠXH) làm việc tại khu vực công nghiệp thuê.

Trước đó, hồi cuối tháng 8/2023, tại Phiên họp thứ 25 của UBTV Quốc hội, đề xuất để Tổng Liên đoàn Lao động tham gia xây dựng đầu tư NƠXH với vai trò là chủ đầu tư dự án trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi  nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến và đề xuất 2 phương án, cho phép Tổng Liên đoàn được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê; hoặc không cho phép Tổng liên đoàn tham gia đầu tư xây dựng NƠXH, bỏ chủ thể này tại các Điều 78, 89, 90 và 95.

Sau đó, trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Liên đoàn đề nghị được tự thu xếp và sử dụng nguồn lực tài chính của công đoàn (hình thức sử dụng tương tự như  vốn đầu tư công) để tiến hành đầu tư xây dựng NƠXH, với mục đích cho thuê, không xây dựng nhà ở để bán, kinh doanh. Việc triển khai sẽ tập trung tại các địa phương có đông công nhân, người lao động, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Về nguồn vốn, theo Tổng Liên đoàn, Nghị quyết số 9c/NQ-BCH ngày 18/10/2016 về điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp công đoàn để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (trong đó bao gồm các hạng mục đầu tư: Nhà ở, văn hóa thể thao và hạ tầng kỹ thuật). Từ năm 2022, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã xây dựng 3 quỹ từ nguồn kết dư tài chính công đoàn, trong đó Quỹ đầu tư xây dựng chiếm 20%, việc sử dụng nguồn vốn này không ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ khác của tổ chức công đoàn. Ngoài ra cũng có thể bố trí từ các nguồn vốn hợp pháp khác. Tính đến ngày 31/12/2022, Tổng Liên đoàn có 813 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ đầu tư xây dựng và 9.100 tỷ đồng từ Nghị quyết số 9c/NQ-BCH.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động, vai trò chủ đầu tư sẽ được giao cho Ban Quản lý thiết chế Công đoàn trực thuộc. (Ảnh: quochoi.vn)

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động cho biết, với phương án đưa ra thì Tổng Liên đoàn chỉ tham gia với vai trò là cơ quan chủ quản đầu tư (cơ quan phê duyệt, cấp vốn đầu tư, phê duyệt giá cho thuê) mà không trực tiếp là chủ đầu tư dự án. Vai trò chủ đầu tư sẽ được giao cho Ban Quản lý thiết chế Công đoàn trực thuộc.

Đối với vấn đề sở hữu nhà ở công nhân, người lao động, Tổng Liên đoàn sẽ là cơ quan đại diện chủ sở hữu NƠXH để cho thuê, áp dụng như hình thức Bộ Xây dựng quản lý nêu tại khoản 1 Điều 16 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Sau khi xây dựng xong, việc quản lý, vận hành nhà NƠXH sẽ có các hình thức quản lý giống như các nhà chung cư hiện hành.

Trước nội dung đề xuất của Tổng Liên đoàn, Bộ Xây dựng nhất trí với phương án Tổng Liên đoàn Lao động được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho đoàn viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH thuê.

Đồng thời, để phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn, cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất chỉnh lý tại khoản 4 Điều 78 dự thảo Luật với nội dung như sau: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là chủ thể quản lý các dự án NƠXH được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH thuê”.

Tiếp tục điều chỉnh một số quy định để đảm bảo tính thống nhất và khả thi

Để đảm bảo việc quy định Tổng liên đoàn là chủ thể quản lý dự án NƠXH được đầu tư bằng vốn của công đoàn khả thi và hiệu quả trong thực tế, Bộ Xây dựng tiếp tục đề nghị chỉnh lý bổ sung quy định về nguồn tài chính công đoàn tại các Điều 35, 78, 82, 84, 110 và 113 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).

Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 35 bổ sung: “Tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn quy định tại khoản 4 Điều 110 và khoản 1 Điều 111 của Luật này”. Tại khoản 4 Điều 78 sửa đổi: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH thuê”.

Đồng thời, bổ sung một khoản tại Điều 82 với nội dung: “Đối với dự án đầu tư xây dựng NƠXH được đầu tư bằng nguồn tài chính công đoàn quy định tại khoản 4 Điều 110 thì việc xác định chủ đầu tư áp dụng thực hiện như quy định của pháp luật về đầu tư công”.

Như vậy, Điều 84 trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng được chỉnh sửa cho đồng bộ và đổi tên thành “xác định giá thuê NƠXH được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn và vốn đầu tư công”.

Đối với NƠXH được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn và vốn đầu tư công, thì cơ quan quản lý NƠXH quyết định lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà ở. (Ảnh minh họa: Trần Tuấn/Lao động)

Ngoài ra, Bộ Xây dựng bổ sung thêm một khoản: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định giá thuê NƠXH được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn quy định tại khoản 4 Điều 110 của Luật này”. 

Đối với khoản 1 Điều 88, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung: “Đối với NƠXH được đầu tư xây dựng bằng nguồn tài chính công đoàn và vốn đầu tư công, thì cơ quan quản lý NƠXH quyết định lựa chọn đơn vị quản lý, vận hành nhà ở; trường hợp có từ hai đơn vị trở lên đăng kí tham gia thì được chọn áp dụng quy định của pháp luật về đấu thầu để lựa chọn đơn vị quản lý vận hành nhà ở”.

Bộ Xây dựng cũng thống nhất giao Chính phủ quy định điều kiện về thu nhập để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH nhằm đảm bảo phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Về giá thuê nhà ở xã hội, giá thuê nhà lưu trú công nhân được đầu tư xây dựng không bằng nguồn vốn đầu tư công, Bộ Xây dựng thống nhất phương án tại khoản 3 Điều 86 và Điều 97 của dự thảo do UBTV Quốc hội chỉnh lý. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh của tổ chức, cá nhân đồng thời đảm bảo hạn chế hiện tượng trục lợi nâng giá, đề nghị chỉnh lý lại dự thảo Luật theo hướng giá thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân do các bên tự thỏa thuận nhưng đảm bảo không cao hơn khung giá do UBND cấp tỉnh công bố.

Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV, khai mạc ngày 23/10, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) với nhiều nội dung mới, quan trọng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top