Trách nhiệm xã hội của khối doanh nghiệp tư nhân trong hành trình hơn 35 năm đổi mới

Trách nhiệm xã hội của khối doanh nghiệp tư nhân trong hành trình hơn 35 năm đổi mới

Chủ Nhật, 18/06/2023 - 06:00

Có thể thấy, khối doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển nhanh về số lượng. Đặc biệt, đã thể hiện được vai trò quan trọng của mình trong nền kinh tế thông qua việc thực hiện các nghĩa vụ đối với Nhà nước và trách nhiệm với xã hội, thể hiện rất rõ trong việc chống đại dịch Covid-19.

Điển hình như: Tập đoàn Vingroup đã thành lập Quỹ Thiện Tâm và Quỹ Đổi mới sáng tạo nhằm phục vụ cho các hoạt động từ thiện vì cộng đồng, tích cực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, với nhiều đóng góp quan trọng không chỉ cho cộng đồng, lực lượng tuyến đầu chống dịch mà cho cả các đối tác kinh doanh.

Dịch bệnh Covid-19 với những đợt bùng phát vừa qua đã tác động đến mọi đối tượng trong xã hội, trong đó có trẻ em. Với tinh thần không để bất cứ trẻ em nào bị bỏ lại phía sau, thông qua chiến dịch cộng đồng "Bạn khỏe mạnh, Việt Nam khỏe mạnh”, Vinamilk cũng trao tặng 10 tỷ đồng đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để điều phối hỗ trợ cho 2 mục đích: Ủng hộ kinh phí mua Vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em và Hỗ trợ cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Qua đó có thể thấy, giá trị cộng hưởng thương hiệu của doanh nghiệp được nuôi dưỡng trong trái tim, cảm xúc của cộng đồng ngày một rõ nét hơn.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes), Đại biểu Quốc hội, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các doanh nghiệp phải nhận thức được việc hoàn thành trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không chỉ là một việc hảo tâm để đóng góp cho cộng đồng, mà cần nhìn nhận vai trò và ý nghĩa của nó như là một chiến lược để phát triển, đáp ứng các yêu cầu của khách hàng trong thời đại mới. Bởi giá trị và thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ do các sản phẩm, dịch vụ mang lại, mà phần quan trọng là sự tin tưởng và ghi nhận các giá trị mang lại từ trách nhiệm với xã hội.

Đại biểu Quốc hội, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. 

"Năng lực nội sinh" của kinh tế tư nhân trong hành trình hơn 35 năm đổi mới

PV: Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức được vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Nhờ vậy, kinh tế tư nhân không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những nhân tố chính tạo nên sự tăng trưởng kinh tế. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, kinh tế tư nhân đã không chỉ dần được phục hồi mà còn có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Vậy, ông nhìn nhận như thế nào về sự phát triển và đóng góp của khối kinh tế tư nhân cho sự phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam?  

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Thực tiễn hơn 35 năm đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế tư nhân được coi là thành phần kinh tế quan trọng khi đã có đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế của đất nước.  

Hiện nay, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng trên 40% GDP; thu hút và tạo công ăn việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động xã hội, góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Hơn nữa, kinh tế tư nhân còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an sinh xã hội của đất nước.

“Khối Doanh nghiệp tư nhân không chỉ có sứ mệnh làm giàu, mà còn có đóng góp to lớn, góp phần tạo ra vị thế của đất nước, tự tôn dân tộc. Minh chứng là nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam đã tạo ra vị thế, hình ảnh cho nền kinh tế Việt Nam trên bản đồ thế giới qua nhiều sản phẩm, thương hiệu đã và đang chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhiều gương mặt tỷ phú của Việt Nam cũng hiện diện trong danh sách các tỷ phú của thế giới”. 

- GS.TS. Hoàng Văn Cường -

Cụ thể, những doanh nghiệp vừa và nhỏ là nhóm tạo được nhiều công ăn việc làm, phù hợp với điều kiện đa dạng của người lao động, kể cả những người lao động chưa qua đào tạo và không có kỹ năng. Hay những người lao động khiếm khuyết về thể chất vẫn có thể thích ứng được với khu vực kinh tế tư nhân là kinh doanh hộ gia đình và các loại hình doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân lớn, không chỉ có sứ mệnh làm giàu, mà còn có đóng góp to lớn, góp phần tạo ra vị thế của đất nước, tự tôn dân tộc. Trong lịch sử, từ thời Pháp thuộc, "Vua tàu thuỷ" Bạch Thái Bưởi đã thực hiện khát vọng làm giàu thông qua vận dụng tinh thần dân tộc khuyến khích người Việt đi tàu của người Việt. Nhờ tinh thần dân tộc, ông đã đánh bại các đối thủ "đáng gờm" người Hoa, người Pháp để trở thành "Vua tàu thủy Việt Nam". Ông cũng được xem là doanh nhân đầu tiên áp dụng tinh thần dân tộc "Người Việt ủng hộ người Việt" trong kinh doanh.

Ngày nay, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn ở Việt Nam đã và đang tạo ra vị thế, hình ảnh trong nước và vị thế cho nền kinh tế  và đất nước Việt Nam trên bản đồ thế giới. Nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có tên tuổi, thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhiều gương mặt tỷ phú của Việt Nam cũng hiện diện trong danh sách các tỷ phú của thế giới.

Doanh nghiệp tư nhân với sứ mệnh cao cả

PV: Ông nhận thấy các doanh nghiệp, doanh nhân đã thể hiện trách nhiệm xã hội như thế nào trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19, doanh nghiệp phải thực hiện mục tiêu kép phát triển kinh tế và chống dịch?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Trách nhiệm xã hội của khối kinh tế tư nhân thể hiện qua những hoạt động của doanh nhân phát triển kinh doanh, không chỉ là mục tiêu kiếm tiền để làm giàu cho bản thân mà còn là trách nhiệm trong việc quay lại bù đắp cho các nguồn lực đã tham gia góp phần vào tạo ra sự giàu có, thịnh vượng của doanh nghiệp. Sự giàu có, những khối tài sản của người chủ doanh nghiệp tư nhân không còn đơn thuần là tài sản cá nhân nhằm phục vụ cho cuộc sống, nhu cầu riêng của bản thân những doanh nhân, mà tài sản đó là những công trình, nhà máy, hệ thống cơ sở kinh doanh… thực chất là những tài sản góp phần tạo nên sự giàu có và phồn vinh của xã hội.

Chúng ta cần biết rằng, tự thân cá nhân những doanh nhân, doanh nghiệp không thể trực tiếp tạo ra được những công trình, nhà máy hay hệ thống kinh doanh, mà phải có sự tham gia đóng góp của những người lao động, đóng góp của các nguồn lực xã hội, khai thác các nguồn tài nguyên, sự chấp nhận của khách hàng trên thị trường… thì mới tạo ra được của cải đó.

Vì vậy, các doanh nghiệp, doanh nhân bỏ tiền để trợ giúp cho các hoạt động thiện nguyện xã hội, những chương trình phát triển cộng đồng hay chung tay giúp sức khi đất nước gặp khó khăn, như đóng góp trong thời kỳ đại dịch Covid-19…, không chỉ thể hiện lòng tốt của doanh nghiệp, doanh nhân mà còn là sứ mệnh của họ làm việc đó để đền đáp lại sự đóng góp của xã hội, của người dân. Đó cũng chính là truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam ta.

Trong lịch sử dân tộc, cũng đã có nhiều doanh nhân đóng góp rất lớn cho cách mạng. Sau khi thành lập nước, ngân sách của Nhà nước Việt Nam mới ra đời cạn kiệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động "Tuần lễ vàng" kêu gọi đóng góp của người dân cho đất nước. Khi đó, ông Trịnh Văn Bô (1914 - 1988), một thương nhân là nhà tư sản theo chủ nghĩa dân tộc, đã ủng hộ cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam 5.147 lượng vàng, tương đương số tiền gần gấp đôi ngân khố của Chính phủ tại thời điểm đó. 

PV: Những việc làm cụ thể ấy đã bộc lộ những phẩm chất gì của doanh nghiệp, doanh nhân Việt thưa ông? Điều này có phải đã góp phần tạo dựng niềm tin vào thế hệ doanh nghiệp Việt hiện nay?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Sứ mệnh của doanh nhân là làm giàu cho doanh nghiệp, nhưng dù là doanh nghiệp tư nhân thì cũng đều là doanh nghiệp của đất nước. Vì vậy, sứ mệnh của họ suy cho cùng cũng là tạo ra sự phát triển, mang lại sự phồn thịnh cho đất nước và sự ấm no cho những người lao động được làm việc trong các hệ thống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thực hiện được sứ mệnh đó, doanh nghiệp sẽ nhận được những giá trị vô hình rất lớn, đó chính là thương hiệu, là niềm tin và sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Sản phẩm của các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội sẽ dễ được người tiêu dùng lựa chọn tin dùng và cũng sẽ dễ dàng đáp ứng với những tiêu chuẩn xã hội của thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp, doanh nhân càng thể hiện tốt trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, quan tâm đến sức khỏe và an toàn lao động, tạo ra những sản phẩm chất lượng để cung ứng cho người tiêu dùng trong và ngoài nước thì lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp càng cao. 

Như vậy, khi thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững như: Nâng cao uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp; củng cố vị trí và mở rộng thị phần của doanh nghiệp; tạo động lực cho người lao động và thu hút nhân tài; cải tiến chất lượng, gia tăng giá trị dài hạn…

PV: Vâng, có thể thấy, khi đất nước trải qua giai đoạn khó khăn cần sự chung tay giúp sức thì cộng đồng doanh nghiệp Việt đã thể hiện tinh thần tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách". Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, khi cả nước đang phải giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế thì khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần được hiểu như thế nào? Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp với quốc gia lúc này cần tập trung vào những việc làm cụ thể gì, thưa ông?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Tôi cho rằng, không chỉ trong giai đoạn khắc phục hậu Covid-19, mà trong tất cả mọi giai đoạn khó khăn thì trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân là phải chung tay khắc phục. Đất nước có nhiều nguồn lực là tiềm năng, là tiền đề để vươn lên thì trách nhiệm của doanh nghiệp, doanh nhân là phải biến các nguồn lực tiềm năng đó thành sức mạnh thực tế để đưa đất nước tiến lên.

“Sứ mệnh của doanh nhân là làm giàu cho doanh nghiệp, nhưng dù là doanh nghiệp tư nhân thì cũng đều là doanh nghiệp của đất nước. Vì vậy, sứ mệnh của họ suy cho cùng cũng là tạo ra sự phát triển, mang lại sự phồn thịnh cho đất nước và sự ấm no cho những người lao động được làm việc trong các hệ thống sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

- GS.TS. Hoàng Văn Cường -

Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đang khó khăn do thu hẹp sức mua thị trường quốc tế và những tác động tiêu cực từ bối cảnh bên ngoài. Vì vậy, chúng ta không thể trông chờ vào các nguồn lực bên ngoài hay các nhà đầu tư nước ngoài, mà phải tự đi lên bằng chính nội lực. Do đó, chính lúc này rất cần đến tài năng, tiềm lực của các doanh nghiệp tư nhân trong nước. Đồng thời cũng cần đến sự ủng hộ của người dân, của thị trường đối với sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước, để tự mình tạo ra được sức mạnh nội tại.

Vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng đòi hỏi sự dấn thân, sự cống hiến tạo ra động lực cho sự phát triển, tìm ra những hướng đi để vực nền kinh tế vươn lên cùng với sự hỗ trợ của thị trường, người dân và các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của Chính phủ.

Sứ mệnh của Doanh nhân, Doanh nghiệp là tạo ra sự phát triển, mang lại sự phồn thịnh cho đất nước và sự ấm no cho những người lao động.
(Ảnh minh họa: Báo Bình Thuận)

PV: Vậy theo ông, Nhà nước nên tạo điều kiện hay cần có những cơ chế như thế nào để doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế tư nhân, Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 và Chính phủ đã có Nghị quyết 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 ban hành chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng cho phát triển, tạo ra các trụ cột cho nền kinh tế thì vấn đề tiên quyết là phải tạo cơ hội cho khu vực kinh tế tư nhân tiếp cận nguồn lực phát triển. Những lĩnh vực cần sự năng động, thích ứng nhanh để phát triển thì Chính phủ cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận và yên tâm dành nguồn lực đầu tư. Từ đó, các doanh nghiệp tư nhân sẽ trở thành trụ cột quan trọng cho các ngành của nền kinh tế hỗn hợp.

Doanh nghiệp tư nhân - "Xương sống" giúp nền kinh tế tự cường, thịnh vượng

PV: Trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, sẽ phấn đấu tăng tỷ lệ nhà ở kiên cố trên toàn quốc đạt 85 - 90%. Ông nhìn nhận vai trò của các doanh nghiệp bất động sản trong chiến lược phát triển quốc gia này như thế nào?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Thực tế đầu tư phát triển nhà ở, đặc biệt là khu vực đô thị hiện nay, các khu đô thị mới trong quá trình đô thị hoá thì gần như doanh nghiệp bất động sản tư nhân đang chiếm vị trí trọng yếu. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước đã đầu tư phát triển nhiều khu đô thị mới hiện đại, không thua kém so với sản phẩm bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài.

Các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực bất động sản hoàn toàn có đủ khả năng đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển các khu đô thị, khu nhà ở khang trang, hiện đại và mang đẳng cấp quốc tế.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là: Làm thế nào để có được các nguồn lực và điều kiện cho các doanh nghiệp bất động sản thực hiện sứ mệnh của mình? Để làm được việc này rất cần sự đồng bộ trong chiến lược phát triển nhà ở cũng như chiến lược đầu tư, đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng cho các khu vực phát triển bất động sản. 

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta cũng nhìn thấy khó khăn của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng là nguồn vốn. Nếu không có các chính sách để tăng thêm nguồn lực hỗ trợ thì rất có thể cơ hội đầu tư các dự án bất động sản quan trọng sẽ rời khỏi tay các doanh nghiệp trong nước mà rơi vào tay các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp bất động sản trong nước đang nắm giữ những dự án bất động sản tiềm năng, quan trọng nhưng không tiếp tục trụ lại được thì buộc phải chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang thể hiện trách nhiệm xã hội bằng việc cam kết phát triển nhà ở xã hội, ông nghĩ sao về điều này?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Việc phát triển nhà ở xã hội thể hiện một phần trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó cũng phải đảm bảo mục tiêu hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Cho nên, chính sách phát triển nhà ở xã hội là dựa vào hỗ trợ của Nhà nước, chứ không thể yêu cầu doanh nghiệp chịu trách nhiệm hỗ trợ. Doanh nghiệp không tồn tại nếu hoạt động không có lãi khi bỏ tiền đầu tư vào dự án nhà ở xã hội. Họ chỉ có thể nhận thức và thực hiện trách nhiệm xã hội khi đầu tư vào nhà ở xã hội không chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà phải đồng thời đảm bảo được chất lượng nhà ở và hiệu quả hoạt động kinh doanh trong định mức giới hạn.

Do vậy, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội có đủ hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chương trình nhà ở xã hội với mục đích mang lại lợi ích cho người dân có thu nhập thấp, nhưng doanh nghiệp cũng phải đảm bảo được lợi ích đủ để họ có thể thực hiện sứ mệnh của mình.

NOXH
Chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội phải đủ hấp dẫn để thu hút được các doanh nghiệp tham gia
 (Ảnh minh họa: Tùng Dương)

PV: Theo nghị quyết của Đảng, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045. Vậy ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về vai trò, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, doanh nhân đối với sự phát triển của nền kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thế giới?

GS.TS. Hoàng Văn Cường: Kinh nghiệm các nền kinh tế lớn trên thế giới đã chỉ ra rằng: Một nền kinh tế độc lập, tự cường, thịnh vượng thì phải là một nền kinh tế tự chủ, dựa trên trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh của các doanh nhân trong nước chứ không thể dựa vào nguồn lực bên ngoài hay các nhà đầu tư nước ngoài.

Để Việt Nam trở thành một quốc gia thịnh vượng vào năm 2045, chắc chắn cần phải có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, các doanh nhân thành công, thành đạt đứng ra làm trụ cột để tạo ra các trụ đỡ, tạo ra xương sống của nền kinh tế để có được vị thế của mình trên trường quốc tế và tự chủ trong việc đóng góp nguồn lực vào sự phát triển của đất nước.

Tôi cho rằng, doanh nghiệp lớn mạnh hay thành công không phải là ngẫu nhiên mà thể hiện năng lực, tài năng quản trị của các doanh nhân, người đứng đầu doanh nghiệp. Đó là sự chấp nhận đánh đổi, sự hy sinh về mặt công sức, trí tuệ, đắm mình trăn trở đối với sự nghiệp và sự sống còn của doanh nghiệp. 

Rất nhiều doanh nhân Việt Nam đã được đứng vào hàng ngũ của các tỷ phú thế giới do tạp chí Forbes bình chọn. Chúng ta mong muốn và kỳ vọng rằng, trong tương lai Việt Nam ngày càng có nhiều doanh nhân đứng vào hàng ngũ những tỷ phú hàng đầu của thế giới.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top