Aa

TS. Cấn Văn Lực: Cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội không thiếu nhưng chưa trúng vấn đề

Thứ Tư, 28/06/2023 - 13:45

TS. Cấn Văn Lực đánh giá, việc phát triển nhà ở xã hội được thảo luận nhiều nhưng chưa đúng và trúng vấn đề. Nếu vẫn triển khai như hiện tại sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.

Việc phát triển nhà ở xã hội còn quá nhiều vướng mắc

Đưa ra ý kiến tại Hội thảo “1 triệu căn nhà ở xã hội: giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp”, do Báo Nông thôn ngày nay và Điện tử Dân Việt tổ chức ngày 28/6, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia đánh giá, chúng ta không thiếu cơ chế chính sách để phát triển NƠXH, nhưng phân khúc này vẫn chưa phát triển được, do “chưa trúng vấn đề”. Do đó, việc phát triển phân khúc này vẫn còn nhiều vướng mắc.

Trước hết, lâu nay chúng ta chưa nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận và cho rằng NƠXH chủ yếu dành cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; là hoạt động mang tính “từ thiện”.

“Nếu quan điểm như vậy thì không phát triển được. Tôi cho là đây là chính sách kinh tế nhân văn. Trước hết phải có tính chất kinh tế, hấp dẫn mới thu hút doanh nghiệp và người dân tham gia”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Việc phát triển NƠXH còn nhiều vướng mắc. (Ảnh: Cenhomes)

Thứ hai, vướng mắc về cơ chế chính sách, quy trình thủ tục và thực thi. Hiện nay, chúng ta chưa có một cơ chế, chính sách rõ ràng, bài bản, dài hơi trong việc phát triển NOXH. Vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể liên quan giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp chưa rõ ràng, thiếu nhất quán nên mỗi địa phương tiến hành một kiểu.

Đồng thời, NƠXH Liên quan đến 6 luật (Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản) cùng nhiều nghị định, thông tư khác. Trong đó, có sự chồng chéo phức tạp nên rất khó phát triển. Ngoài ra, quy trình, thủ tục để phát triển NƠXH còn nhiều phức tạp so với dự án nhà ở thương mại.

“Trao đổi với Địa ốc Hoàng Quân, chúng tôi ghi nhận việc hoàn thành dự án NƠXH phải mất đến 3 - 5 năm. Chưa kể khâu đền bù giải phóng mặt bằng luôn bị kéo dài. Thời gian gần đây mới có cải thiện phần nào nhờ sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Nhìn chung doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn ở khâu thủ tục và thực thi”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Thứ ba là vướng mắc liên quan đến quỹ đất. Tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triến NƠXH còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành, chủ yếu do vấn đề quy hoạch, thực thi. Đơn cử như quỹ đất tại tỉnh Bắc Ninh hay TP.HCM bắt đầu khan hiếm, nhưng ở nhiều địa phương khác lại rất dồi dào.

Thứ tư, liên quan đến trình tự, thủ tục mua, thuê, bán NƠXH tương đối phức tạp, các đối tượng được mua NƠXH phải thỏa mãn nhiều tiêu chí, điều kiện về nhà ở, nơi cư trú, và thu nhập…; tốn nhiều công sức, thời gian để có được các giấy tờ xác nhận thỏa mãn các điều kiện trên.

Quan trọng hơn là nút thắt về vốn. Hiện nay chúng ta đang chú ý tới vốn ngân hàng, điều này đúng nhưng chưa đủ. Vì ngân hàng cũng là doanh nghiệp thương mại, nên gói 120.000 tỷ đồng từ Nghị quyết 338/NQ-CP ngày 3/4 thông qua chính xác là gói tín dụng thương mại có ưu đãi lãi suất chứ không phải gói tín dụng kinh tế nhân văn.

“Khi làm việc với chúng tôi, doanh nghiệp cho rằng tỷ suất sinh lời tối đa 10% thì không thể làm được khi lãi suất đi vay cũng đã trên 8%. Vậy nên chúng ta cần nguồn vốn bền vững hơn”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Cần những giải pháp thực sự đột phá

“Vấn đề nhà ở xã hội chúng ta đã bàn 10 năm nhưng vẫn chưa thành công. Rõ ràng với cách triển khai vẫn như hiện tại, thiếu sự đột phá thì rất khó”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ tại Hội thảo.

Do đó, TS. Cấn Văn Lực đề xuất một số giải pháp quan trọng. Trước hết, cần coi phát triển nhà ở xã hội là “chính sách kinh tế nhân văn ,mang cả ý nghĩa kinh tế và an sinh xã hội”. Muốn vậy, phải có một đề án tổng thể, căn cơ và bài bản.

Trong đó, cần tăng tính thị trường, hấp dẫn cho NƠXH thông qua quy hoạch, hệ sinh thái, hạ tầng…; từ đó sẽ khắc phục tình trạng trục lợi chính sách để nhà ở thực sự đến tay người cần. Đồng thời, ưu đãi thực sự về thuế, phí đối với doanh nghiệp bất động sản phát triển NƠXH.

Thứ hai, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, khung pháp lý, TS. Cấn Văn Lực đề xuất ban hành Nghị quyết, cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển NƠXH. Trong đó, quy định mức lợi nhuận tối đa phù hợp, rà soát, thống nhất cách hiểu, cách làm; giảm thiểu quy trình, thủ tục đầu tư cũng như điều kiện tiếp cận NƠXH.

Quan trọng nhất là các nội dung quan trọng trong các Nghị quyết, Đề án về phát triển NOXH cần được luật hóa, nhất quán trong các dự án Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

“Chỉ khi được luật hóa, việc phát triển phân khúc này mới thực sự được thúc đẩy và phát triển bền vững”, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị.

Hội thảo "1 triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp". (Ảnh: Dân Việt)

Thứ ba, Chính phủ cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong khâu quy hoạch, thủ tục xét duyệt và quỹ đất. Theo đó, cần gắn quy hoạch, đánh giá phát triển NƠXH với quy hoạch, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của địa phương. Quan trọng nhất là phải có cơ chế, giải pháp cụ thể để rút ngắn các khâu từ lập, phê duyệt dự án NƠXH, thủ tục đầu tư xây dựng, giao đất, cho doanh nghiệp thuê đất, khâu giải phóng mặt bằng…

Thứ tư, việc phát triển hệ thống thông tin, dữ liệu về NƠXH là rất quan trọng. Kiến nghị thành lập một cổng thông tin điện tử quốc gia tương tự như cổng đấu thầu quốc gia để đưa toàn bộ thông tin các dự án NƠXH lên đó. Và các bên liên quan cần quan tâm xây dựng, cập nhật thông tin, dữ liệu và định kỳ có khảo sát, đánh giá cung - cầu NƠXH.

Cuối cùng, cần quyết liệt tạo lập nguồn vốn bền vững để phát triển NƠXH, tránh việc áp dụng theo các gói, chương trình một vài năm như hiện nay.

“Tôi đề xuất thành lập Quỹ phát triển NƠXH, gồm nguồn tiền thu từ đất đai; vốn góp từ các tổ chức tài chính trong và ngoài nước; phát hành trái phiếu Chính phủ/chính quyền địa phương; vốn đối ứng, bổ sung từ các tổ chức tín dụng trong nước và cuối cùng là nguồn vốn ODA từ các tổ chức tài chính quốc tế. Trong đó, ngân sách nhà nước đóng vai trò là vốn mồi và lãi suất bằng 50% so với lãi suất thương mại”, TS. Cấn Văn Lực đưa ra quan điểm./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top