TS. Nguyễn Đình Cung: Hãy tin có những doanh nhân đã vượt qua được vòng danh lợi vật chất

TS. Nguyễn Đình Cung: Hãy tin có những doanh nhân đã vượt qua được vòng danh lợi vật chất

Thứ Bảy, 01/07/2023 - 06:00

Xuyên suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, TS. Nguyễn Đình Cung, (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) luôn bày tỏ sự tin tưởng vào tinh thần phụng sự chân chính của các doanh nhân, doanh nhân xã hội, cũng như thấu hiểu cho những nhọc nhằn của họ. Chính vì vậy, ông quả quyết: “Làm một người doanh nhân bình thường đã gian khổ, làm một người doanh nhân xã hội còn gian khổ gấp nhiều lần. Vì vậy, chúng ta không nên để họ lầm lũi!”.

Lời toà soạn:

Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng - trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước. 

Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng. 

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình. 

Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội. 

Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!

Giá trị mà doanh nghiệp xã hội mang lại cho cộng đồng rất thật, rất lớn

PV: Được biết ông là nhà hoạch định chính sách Việt Nam đầu tiên tiếp cận khái niệm doanh nghiệp xã hội và cũng là người tiên phong đồng hành cùng Hội đồng Anh thúc đẩy mạnh mẽ việc đưa doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp sửa đổi 2014. Từ đó đến nay, mặc dù chính sách dành cho loại hình doanh nghiệp này chưa có chuyển động đáng kể, nhưng các doanh nhân xã hội vẫn không ngừng hoạt động và cống hiến?

TS. Nguyễn Đình Cung: Năm 2009, sau khi xem một phóng sự về doanh nghiệp xã hội ở Anh, ngay lúc đó, tôi đã nghĩ loại hình này rất phù hợp ở Việt Nam, nhất định sẽ có đóng góp nổi trội trong việc giải quyết những vấn đề xã hội trong thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Sau đó, chúng tôi mất 4 năm nghiên cứu, từ 2010 - 2014, và cố gắng đưa được hình thức doanh nghiệp xã hội vào Luật Doanh nghiệp 2014. Đến giờ, có lẽ đó vẫn là thành công lớn nhất, còn lại những chuyển biến về sau là không đáng kể.

Tuy nhiên, tôi thấy các doanh nhân xã hội đã không chờ đợi luật hóa mà vẫn âm thầm hoạt động tốt, bởi những gì họ làm đều xuất phát từ trái tim. Chúng ta vẫn thấy các trung tâm, hợp tác xã và nhiều hình thức khác, có thể đăng ký hoặc không, nhưng đều đang tích cực hoạt động và cống hiến. Chắc chắn chúng ta có hàng chục nghìn doanh nghiệp xã hội đang hoạt động ở những khu vực khó khăn nhất, gắn với những người yếu thế nhất.

Để thực sự giúp đỡ một ai đó, một vùng đất nào đó, không còn cách nào khác là phải sâu sát. Vậy nên, tôi đánh giá rất cao dịch vụ của doanh nghiệp xã hội bởi họ đã thực sự tìm đến những người yếu thế.

Như KOTO - doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam, đã giúp hàng nghìn trẻ em đường phố được đào tạo nghề phục vụ nhà hàng, bếp/bar miễn phí, nhiều em trở thành những đầu bếp nổi tiếng của khách sạn 5 sao tại Hà Nội và TP.HCM. Hàng nghìn trẻ em thay vì lang thang với tương lai vô định, nhờ KOTO mà được giáo dục về đạo đức, kỹ năng và có việc làm ổn định. Không chỉ thế, giá trị KOTO mang lại được nhân lên nhiều lần với phương châm “Know One, Teach One” (Biết một, hãy dạy một) khi nhiều bạn trẻ thành công tiếp tục quay lại hỗ trợ cộng đồng.

Còn Nghị Lực Sống mới chuyển thành doanh nghiệp xã hội năm 2022 nhưng đã có lịch sử cống hiến 20 năm, với sứ mệnh đào tạo công nghệ thông tin, tiếng Anh, kỹ năng sống, làm việc nhóm miễn phí cho người khuyết tật. Giá trị hơn nữa là Nghị Lực Sống đã mang lại cho người khuyết tật niềm tin “tôi làm được, bạn cũng làm được”, khi để những người đồng cảnh ngộ giúp đỡ nhau.

Ngoài ra, có thể nhắc đến Sapa O’Chau, doanh nghiệp xã hội đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải (Sapa, Lào Cai), kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng, tạo việc làm và cơ hội học tập cho trẻ em người Mông, người Dao bản địa. Nhiều em được về Hà Nội học, hè quay lại địa phương và làm được rất nhiều việc có ích cho bản thân, gia đình và cộng đồng nơi các em sinh sống. Tương tự, còn rất nhiều trung tâm, tổ chức, dù chưa hoạt động dưới danh nghĩa doanh nghiệp xã hội nhưng lợi ích, giá trị họ mang lại cho cộng đồng là rất thật, rất lớn.

PV: Ông nhìn thấy dư địa phát triển doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam như thế nào?

TS. Nguyễn Đình Cung: Việt Nam còn nghèo, hệ lụy chiến tranh để lại rất lớn, nhiều người yếu thế cần giúp đỡ, nên dư địa để phát triển các loại hình doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp có tác động xã hội là rất lớn.

Rõ ràng Nhà nước dù có quan tâm, nỗ lực đến đâu thì nguồn lực vẫn hạn chế và không thể bao quát, hỗ trợ cho hầu hết người yếu thế hay giải quyết hết các vấn đề xã hội, môi trường. Do đó, doanh nghiệp xã hội và các doanh nghiệp có tác động xã hội sẽ hỗ trợ Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội cực kỳ hiệu quả.

Điều kỳ lạ là giới trẻ lại là đối tượng hoạt động sôi nổi và nhiều năng lượng nhất ở các doanh nghiệp xã hội. Nhiều người trẻ sau khi tốt nghiệp đại học đã tham gia vào các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động vì xã hội. Đây cũng là một dư địa phát triển nữa, khi những người trẻ thực sự muốn trải nghiệm, đóng góp thì doanh nghiệp xã hội sẽ là nơi họ được đóng góp nhanh nhất, nhiều nhất và nhìn thấy luôn những tác động mà mình mang lại.

KOTO - doanh nghiệp xã hội đầu tiên của Việt Nam, nơi giúp những trẻ em đường phố tìm thấy ước mơ và thực hiện được những giấc mơ còn dang dở của mình. 

PV: Dư địa thì nhiều nhưng vẫn còn những rào cản khiến chúng ta chậm chân trong việc phát triển loại hình doanh nghiệp xã hội. Trong khi đó, như ông chia sẻ, đúng là không thể đong đếm hết những giá trị mà các doanh nghiệp, doanh nhân xã hội mang lại cho cộng đồng, nhất là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều vấn đề môi trường, xã hội nảy sinh, rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp xã hội. Vậy nên phải có chính sách hỗ trợ để họ phát triển, đóng góp tốt hơn?

TS. Nguyễn Đình Cung: Các doanh nhân xã hội bắt đầu kinh doanh là vì việc thiện, việc nghĩa, chứ không vì lợi nhuận. Đây là điều chắc chắn! Nhưng họ cũng mong muốn được xã hội nhận biết, pháp luật thừa nhận, Nhà nước ghi nhận, khích lệ, động viên và tạo cơ chế chính sách để họ phát triển tốt hơn nữa. Khi “danh chính ngôn thuận”, họ không chỉ được khích lệ mà còn được bảo vệ, hướng dẫn và quy mô hoạt động cũng như tác động xã hội sẽ lớn hơn. Còn nếu làm nhỏ, làm phi chính thức thì không bao giờ lớn được.

Tôi nói thật, một người doanh nhân bình thường đã lắm khổ ải nhưng một người doanh nhân xã hội còn khổ ải gấp nhiều lần, đòi hỏi sự sáng tạo gấp nhiều lần. Vì vậy, chúng ta không nên để họ lầm lũi!

Tuy nhiên, con đường để doanh nghiệp xã hội được thừa nhận ở Việt Nam không hề đơn giản. Mặc dù được công nhận về mặt pháp lý từ năm 2014, nhưng xã hội vẫn còn những nghi ngại khi nói đến doanh nghiệp, doanh nhân xã hội. Tuy nhiên, hãy nhìn vào hoạt động hiệu quả của những tổ chức vì cộng đồng và kinh nghiệm quốc tế, có thể nói, chúng ta không nên e ngại mà chỉ cần thúc đẩy, phát triển loại hình này cho phù hợp với đường lối phát triển của Việt Nam.

Ngoài ra, cũng nên đi khảo sát thực tế để thấy các trung tâm, đơn vị hoạt động vì cộng đồng đang hoạt động hiệu quả như thế nào mà không cần ràng buộc nhiều quy định. Như KOTO, Nghị Lực Sống, việc yêu cầu chứng chỉ, trường lớp, ban bệ, phòng học đủ tiêu chuẩn mới đủ điều kiện giảng dạy là không cần thiết khi mà người ta sẵn sàng dạy lẫn nhau, miễn phí, và người được dạy hầu hết đều tìm được việc làm ổn định. Chúng ta cần truyền thông tốt hơn để doanh nghiệp xã hội có cơ hội phát triển.

Một vấn đề nữa, chúng ta có hàng nghìn tổ chức đang hoạt động dưới hình thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, nhưng hầu hết chưa muốn chuyển sang doanh nghiệp xã hội, bởi lo ngại thủ tục hành chính rắc rối và những vấn đề khác. Tôi muốn nhấn mạnh, luật sinh ra là để đáp ứng nhu cầu và tạo động lực cho sự phát triển. Thể chế hỗ trợ phát triển mới là thể chế phù hợp với hoàn cảnh nước ta hiện nay.

Hãy tin tưởng ở doanh nhân!

PV: Không chỉ doanh nghiệp, doanh nhân xã hội mang khát vọng phụng sự cộng đồng cao đẹp, mà nhiều doanh nhân ở các doanh nghiệp tư nhân cũng thế, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Đến giờ, nếu xã hội vẫn “đề phòng” doanh nhân thì tôi cho đó là cách nhìn hoàn toàn sai lầm. Đi cùng với doanh nhân từ những ngày đất nước còn khó khăn, tôi cảm thấy doanh nhân đã vượt qua nhiều nghịch cảnh để vươn lên, đóng góp cho xã hội và sự phát triển của đất nước.

Ban đầu, mục đích kinh doanh của những doanh nhân là tạo việc làm cho bản thân, gia đình, bạn bè, nhưng đến một mức nào đó họ vượt qua được vòng danh lợi vật chất, trở thành những người mang tinh thần phụng sự xã hội. Những doanh nhân như ông Phạm Nhật Vượng (Vingroup), ông Vũ Văn Tiền (Geleximco), ông Trần Bá Dương (THACO), ông Lê Viết Lam (Sun Group), ông Nguyễn Tuấn Hải (Alphanam), ông Nguyễn Cảnh Hồng (Eurowindow Holding)... và những doanh nhân khác, tôi cho là họ không cần gì nữa mà hoàn toàn muốn đóng góp cho xã hội.

Chúng ta chưa nói đến những điều cao siêu như “khát vọng vì một Việt Nam hùng cường”. Đơn giản là họ thật sự muốn đất nước này, muốn xã hội này tốt đẹp hơn, người dân giàu có hơn, và khi ra nước ngoài, chúng ta không phải “cúi đầu”, thế thôi!

Thế nên, hãy tin có những doanh nhân đã vượt qua được vòng danh lợi vật chất, hãy bỏ đi định kiến và tư duy quản lý kìm hãm sự phát triển, kìm hãm sự đóng góp của họ cho cộng đồng, xã hội, đất nước, dân tộc. Chúng ta đang xây dựng đất nước, phải có tài chính, phải có những đầu óc sáng tạo, phải có những con người dám dấn thân thì Việt Nam mới vươn lên được.

Đồng thời, hãy giảm tối đa việc thanh tra, kiểm tra, giám sát không cần thiết đối với doanh nhân, doanh nghiệp thì doanh nhân mới có tâm thế làm việc, cống hiến tốt.

Có những doanh nhân nói với tôi rằng, vật chất họ không thiếu. Cái họ cần là sự hướng dẫn để có thể kinh doanh minh bạch và đóng góp cho đất nước, xã hội. Nhưng minh bạch cũng khó, khi mà đến thủ tục hành chính thôi cũng rất nhiêu khê. Nói để thấy, nhiều doanh nhân đang phải làm việc trong một môi trường kinh doanh còn nhiều “nghịch cảnh”, nhưng vẫn đang cố gắng để đóng góp cho xã hội, đó là điều đáng trân trọng.

PV: Vâng, họ cũng không để các doanh nghiệp xã hội đơn độc. Như gần đây, các doanh nhân Sao Đỏ đã nâng đỡ, đưa Nghị Lực Sống từ một trung tâm trở thành doanh nghiệp xã hội như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Sau thời gian dài thực hiện nhiều chương trình trợ giúp cho người khuyết tật và người yếu thế, các doanh nhân Sao Đỏ và những người sáng lập Nghị Lực Sống nhận thấy cần có tổ chức vận hành một cách có hệ thống, để việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật và người yếu thế được hiệu quả hơn. Vậy nên họ đã thống nhất thành lập doanh nghiệp xã hội vào tháng 10/2022, sau gần 20 năm kể từ ngày khởi lên nhóm “Nối vòng tay lớn” năm 2003.

Việc hỗ trợ nâng cấp Nghị Lực Sống từ một trung tâm lên thành một doanh nghiệp xã hội là một trường hợp rất điển hình cho khát vọng cống hiến và phụng sự của các doanh nhân. Vẫn giữ linh hồn, các dịch vụ đào tạo, nhưng Nghị Lực Sống được sự hậu thuẫn của các doanh nhân Sao Đỏ, không chỉ khía cạnh tài chính, mà còn là quản trị hiện đại và sự tham gia quản lý của những doanh nhân thực sự.

Tôi tin rằng, không chỉ hơn 1.200 người được hỗ trợ như hiện tại, mà tương lai sẽ là vài chục nghìn người yếu thế được giúp đỡ. Tôi cũng rất hy vọng nhờ đó mà sau này, Nghị Lực Sống sẽ trở thành một “hệ sinh thái” doanh nghiệp xã hội lớn nhất thế giới.

- Tại sao ông có niềm tin như vậy?

TS. Nguyễn Đình Cung: Bởi vì Nghị Lực Sống có linh hồn, có sứ mệnh, có “đất” để phát triển. Hơn nữa, Nghị Lực Sống có sự giúp đỡ của những thành viên CLB doanh nhân Sao Đỏ, như ông Nguyễn Tuấn Hải (Alphanam), ông Nguyễn Cảnh Hồng (Eurowindow Holding), ông Vũ Văn Tiền (Geleximco)… Họ là những doanh nhân đã vượt qua vòng danh lợi để trở thành người phụng sự chân chính. Họ không làm vì họ, mà vì người khác.

Có thị trường, có tài chính bền vững, lại quản trị tốt, nên tôi tin chúng ta sẽ có một điển hình về sự kết hợp thành công giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tư nhân. Đây có thể nói là trường hợp đầu tiên và rất hy vọng sẽ tạo đà cho những sự kết hợp khác trong tương lai.

Nâng tầm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để tạo ra giá trị bền vững 

PV: Quả thực rất hay khi gắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với doanh nghiệp xã hội. Khi đó, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ được nâng tầm, bền vững hơn như thế nào, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Khi nhắc đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, chúng ta thường nghĩ đến việc làm từ thiện nhiều hơn. Nhưng trách nhiệm xã hội rộng lớn, bao trùm hơn, bao gồm trách nhiệm với người tiêu dùng, thị trường với cổ đông, người lao động và trách nhiệm với cộng đồng, thiên nhiên. Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị, pháp luật của mỗi nước và cái tâm, cái tầm của doanh nghiệp mà việc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sâu rộng đến đâu.

Thực tế, nhiều doanh nhân cũng muốn làm tốt hơn trách nhiệm xã hội của mình nhưng có thể họ chưa biết cách làm. Vậy nên, một trong những cách thực hiện trách nhiệm xã hội hiệu quả là gắn với doanh nghiệp xã hội. Vì cái hay của doanh nghiệp xã hội là giải quyết được vấn đề xã hội, giúp đỡ người yếu thế nhưng cũng đồng thời tạo ra hệ thống tài chính, nghĩa là doanh nghiệp xã hội giải quyết các vấn đề xã hội dưới quan điểm là một hình thức kinh doanh, tạo ra tiền (chứ không phải tiêu tiền) để làm việc thiện. Và nguồn thu được hạch toán, chi tiêu rõ ràng, đúng mục đích và giám sát được.

Cho nên, khi gắn với doanh nghiệp xã hội, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp chắc chắn được nâng tầm và bền vững hơn ở chỗ, thay vì chi tiền một lần, như 3 - 5 tỷ đồng cho việc phát quà…, thì anh có thể dùng tiền đó hỗ trợ doanh nghiệp xã hội để đồng tiền được phát triển, xoay vòng bền vững, giá trị tạo ra được nâng lên và nối dài hơn.

Ngay từ lúc đưa doanh nghiệp xã hội vào Việt Nam, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện gắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với doanh nghiệp xã hội, nhưng cũng chưa làm được nhiều, dù thế giới đã thực hiện từ lâu. Bởi nhiều khi, các doanh nhân xã hội thường âm thầm, chịu thương chịu khó làm việc và không cần ai biết đến mình. Tuy nhiên, để cùng phát triển và lan tỏa giá trị thì nên thay đổi quan điểm. Dù không đơn giản nhưng nếu hai bên thấu hiểu được nhu cầu của nhau thì vẫn có thể thiết kế được những chương trình có sự phối hợp của một hoặc nhiều doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp xã hội.

PV: Vâng, để có sự kết hợp tốt đẹp giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp tư nhân thì không thể thiếu vai trò của những người cố vấn như ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Thực ra mỗi doanh nghiệp xã hội là một sự khác biệt, giải quyết một vấn đề xã hội riêng biệt, nên việc mở rộng hay nhân lên không phải đơn giản khi không có công thức chung để áp dụng. Tôi vẫn trao đổi với các doanh nghiệp, doanh nhân rằng, thành công của cái này chưa chắc đã là thành công của cái khác, chúng ta vẫn có thể mang những trường hợp thành công vào áp dụng nhưng không thể bê y nguyên. Anh phải rất hiểu vấn đề xã hội đang giải quyết, đối tượng xã hội đang hỗ trợ, và dịch vụ anh mang lại là dịch vụ xã hội, không đơn giản là sản phẩm bình thường, phục vụ cho khách hàng đại trà. Cho nên, việc kết hợp giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp xã hội là con đường đúng nhưng phải làm từ từ, làm đâu chắc đấy, tránh gây thêm những nghi ngại hay thất bại.

Tôi cũng cho rằng, chúng ta có thể mua dịch vụ của những doanh nghiệp xã hội, ví dụ như đào tạo được một người khuyết tật, một người vùng sâu vùng xa có kỹ năng làm việc thì doanh nghiệp xã hội được hỗ trợ chi phí bao nhiêu? Có rất nhiều chính sách mà chúng ta không cần phải nghĩ ra vì quốc tế đã có, vấn đề là mình có quyết tâm để làm hay không?

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ tâm huyết của ông!

Ảnh nhân vật: Tùng Dương

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top