Aa

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Cần đặc biệt quan tâm chính sách phát triển đô thị

Chủ Nhật, 08/11/2020 - 09:02

Lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng luôn là công tác đặc biệt quan trọng, bao giờ cũng cần đi trước một bước.

4 điểm nổi bật

PV: Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đã được Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Với góc nhìn của chuyên gia, ông nhận định thế nào về những điểm nổi bật đã đạt được trong lĩnh vực này?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Trong nhiệm kỳ qua, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, chỉ đạo sát sao cả hệ thống chính trị và các địa phương. Từ đó nhiều địa phương đã chú trọng đến lĩnh vực này trong quá trình phát triển. Ví dụ như Bắc Giang, là tỉnh nhỏ nhưng đã tiên phong thực hiện quy hoạch tích hợp theo Luật Quy hoạch 2017. Trong các kết quả đạt được trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, theo tôi có 4 điểm nổi bật:

Thứ nhất, từng bước hoàn thiện, đồng bộ về thể chế cơ chế chính sách từ các Nghị quyết của T.Ư đến các luật. Cụ thể, ban hành Luật Quy hoạch 2017; Luật Kiến trúc 2019; Luật Xây dựng 2104 đã có sửa đổi 47 điều để thích hợp cho từng thời kỳ… Các nghị định, quyết định của Chính phủ về tăng trưởng xanh, phát triển đô thị thông minh bền vững, xây dựng nông thôn mới… Chính từ các đột phá này mà công tác quy hoạch đã được tích hợp, tác động đến định hướng các ngành, lĩnh vực để phát triển hài hòa từng bước hạn chế việc phát triển theo lợi ích ngành.

Điểm nổi bật thứ hai, tốc độ đô thị hóa rất cao, đến năm 2020 cả nước có 859 đô thị, đạt tỷ lệ xấp xỉ 40% (năm 2000 chỉ là 30%), mạng lưới các đô thị được phân bố đều trở thành động lực thức đẩy kinh tế - xã hội của từng vùng và cả nước, tạo điều kiện để Việt Nam trong giai đoạn tới sớm trở thành nước phát triển có công nền công nghiệp hiện đại, thu nhập ở mức trung bình cao.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Thứ ba, trong quy hoạch, phát triển, quản lý đô thị đã có tiếp cận, học hỏi, chọn lọc kinh nghiệm của các nước về xu thế phát triển đô thị hiện đại, nhất là trong lĩnh vực xây dựng đô thị thông minh, đô thị bền vững, đô thị xanh. Nhiều TP đã có kế hoạch xây dựng đô thị thông minh như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... Để quản lý đô thị, chúng ta đã nghiên cứu và áp dụng mô hình chính quyền đô thị, hiện đang thí điểm ở Hà Nội, TP.HCM. Những đổi mới này sẽ có hiệu quả rất lớn trong cải cách hành chính, tiếp cận với khoa học công nghệ mới.

Thứ tư, trong phát triển đô thị đã chú trọng đến phát triển xây dựng nông thôn mới trong vùng và trong từng đô thị góp phần tạo bản sắc cho đô thị và giảm khoảng cách giàu nghèo. Tại Hà Nội hiện 100% xã có quy hoạch nông thôn mới, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt tỷ lệ hơn 96%). Nhờ kết quả này đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và chất lượng sống cho người dân.

PV: Phát triển không đồng bộ giữa mở rộng không gian và chất lượng đô thị là một trong những hạn chế trong công tác quy hoạch đô thị được chỉ ra tại Dự thảo Văn kiện. Ông nghĩ sao về nhận định này?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi thống nhất với nhận xét “chất lượng phát triển đô thị chưa cao, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ nhất là giao thông, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải, hạ tầng xã hội, năng lực, trình độ quản lý còn thấp. Chất lượng quy hoạch đô thị cần nâng cao, chú trọng đến tạo lập bản sắc”. 

Tuy nhiên, khi đề cập về những hạn chế, yếu kém trong văn kiện nêu “chất lượng quy hoạch đô thị thấp, thiếu bản sắc kiến trúc riêng” thì hoàn toàn chưa thỏa đáng nên xem xét điều chỉnh. Nhìn nhận lại cả quá trình vừa qua, trong văn kiện Đại hội Đảng những lần trước đã có nhận xét công tác quy hoạch đã có nhiều chuyển biến tích cực nên không thể nói là còn thấp trong nhiệm kỳ vừa qua.

Ngoài ra, nói đô thị thiếu bản sắc kiến trúc riêng cũng là chưa khoa học. Ở đây cần thống nhất khái niệm bản sắc của đô thị. Trong định hướng phát triển đô thị vừa qua đã thực hiện và xác định có bản sắc trong từng đô thị nhưng tồn tại là chưa thực sự đồng bộ (như bảo tồn quỹ di sản). Về tạo lập kiến trúc riêng nên có cách nhìn tổng quan về các xu thế phát triển hiện nay, bởi những kết quả mà Việt Nam thực hiện không chỉ trong nước mà bạn bè quốc tế cũng thừa nhận như các công trình kiến trúc xanh, các khu đô thị mới đáng sống kiểu mẫu.

Cần xác định đúng tầm

Ảnh minh họa.

PV: Xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có vấn đề vốn cho giao thông. Theo ông, vấn đề này cần thực hiện như thế nào để có hiệu quả?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Để giải quyết vấn đề vốn cho giao thông, vấn đề quan trọng là cần thực hiện mô hình phát triển đô thị Hà Nội theo chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, TP Hồ Chí Minh là TP trong TP. Đối với Hà Nội, nếu chú trọng giải quyết được mô hình chùm đô thị, vấn đề giao thông theo hướng tích hợp TOD khi đó sẽ rất thuận lợi. Bên cạnh đó nên ứng dụng khoa học kỹ thuật, tích hợp giao thông theo hướng TOD nhưng phải ứng dụng ở điều kiện thích hợp, phải lựa chọn nghiên cứu có khoa học, sự đồng thuận của người dân, phải gắn với phát triển giao thông với quản lý dân số. 

Đồng thời, cần giải quyết đồng bộ các hệ thống tiêu chí để đảm bảo giao thông. Cụ thể là quản lý các phương tiện, đẩy mạnh giao thông công cộng, năng lực quản lý giao thông, ưu tiên đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông, nhất là mạng lưới bãi đỗ xe ngầm...

PV: Để tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị như mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ tới, theo ông, có những vấn đề cơ bản gì cần lưu ý đưa vào Dự thảo các Văn kiện, đặc biệt là Dự thảo Báo cáo Chính trị, để làm căn cứ triển khai trong thực tiễn?

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm: Tôi thống nhất với các nội dung trong tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2025 nêu trong báo cáo chính trị. Liên quan đến phát triển, quản lý đô thị và nông thôn mới, trong mục II. Tầm nhìn và định hướng phát triển, nội dung 5 xác định 12 vấn đề trong đó có vấn đề 2: “Hoàn thiện toàn diện đồng bộ thể chế” có nêu vắn tắt: “… tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…”. 

Trong khi đó, với 3 đột phá chiến lược nhiệm kỳ XIII nêu trong báo cáo chính trị và giải pháp chủ yếu giai đoạn 2021 - 2030 nêu trong dự thảo báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm qua và chiến lược 10 năm tới 2021- 2030, trong đó có 12 nhiệm vụ và có riêng nội dung nhiệm vụ 4 là “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị”. Như vậy, chưa có sự đồng bộ, chưa xác định đúng tầm vấn đề đã nêu.

Đề nghị trong báo cáo chính trị nên có sự điều chỉnh bổ sung định hướng phát triển với nội dung (thành mục riêng) về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đây là đột phá, là vấn đề quan trọng trong giai đoạn tới nên cần nhấn mạnh và xác định rõ không lồng ghép trong nội dung hoàn thiện thể chế. Trong đó, xác định các giải pháp ưu tiên các công trình giao thông trọng điểm quốc gia và liên kết vùng. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mới. Huy động mọi nguồn lực trong phát triển và nâng cao chất lượng đô thị theo hướng phát triển bền vững

Xin cảm ơn ông!

Đề nghị trong báo cáo chính trị nên có sự điều chỉnh bổ sung định hướng phát triển với nội dung (thành mục riêng) về xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị. Đây là đột phá, là vấn đề quan trọng trong giai đoạn tới nên cần nhấn mạnh và xác định rõ không lồng ghép trong nội dung hoàn thiện thể chế. Trong đó, xác định các giải pháp ưu tiên các công trình giao thông trọng điểm quốc gia và liên kết vùng. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ mới. Huy động mọi nguồn lực trong phát triển và nâng cao chất lượng đô thị theo hướng phát triển bền vững.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top