Aa

Từ hương vị tuổi thơ đến khoảng trời tuổi nhỏ

Thứ Sáu, 16/06/2023 - 06:00

Từ “hương vị tuổi thơ” đến “khoảng trời tuổi nhỏ” đánh thức bao giác quan nhạy cảm của con trẻ mở ra với vũ trụ vô biên. Đó cũng là những đôi cánh thiên thần chắp cho em bao ước mơ khát vọng...

Tháng 6 là “tháng của tuổi thơ”, tháng được dành cho tuổi thơ với bao tình cảm thân thương, yêu mến ân tình. Tuổi thơ là khoảng thời gian đầu đời đẹp nhất, vừa trong trẻo hồn nhiên, vừa hồ hởi ríu rít, định hình một tính cách, bồi đắp một tâm hồn, định hướng một tương lai. Ký ức tuổi thơ có rực rỡ bao sắc màu, có náo nức bao âm thanh và ngọt ngào bao hương vị. Một thứ hương vị bình dân, mộc mạc mà thấm đẫm, chứa chan trong đó cả hồn quê kiểng ấm áp tình người với bao nồng hậu thương mến. 

Hương vị tuổi thơ có lẽ bắt đầu từ hương vị của trẻ thơ, đó là dòng sữa mẹ tinh khiết, chắt chiu chắt lọc bao nắng gió mưa chan, bao xay giã dần sàng để thành ngọt bùi thơm thảo. Mạch nguồn của dòng sữa ấy chính là bữa cơm thường ngày của mẹ với bao món ăn dân dã từ vườn quê, ao quê, từ những món quà quê làm bằng nguyên liệu từ tay mình trồng trọt, chăm bẵm.

Hương vị tuổi thơ cũng bắt đầu từ bầu sữa. Mẹ là người đầu tiên “bón” cho em hương vị trong lành thuần khiết, không chỉ nuôi lớn thể xác mà nuôi cả tâm hồn với bao ước vọng. Đó là lời ru của mẹ trên cánh võng đay võng tre kẽo kẹt, là ca dao dân ca từ bay bổng cánh cò đến mênh mang đồng lúa; từ xạc xào lá tre đến vi vu tiếng sáo diều nâng bổng giấc mơ tuổi thơ.

Tuổi thơ là khoảng thời gian đầu đời đẹp nhất, vừa trong trẻo hồn nhiên, vừa hồ hởi ríu rít. (Ảnh minh họa: IT)

Hương vị tuổi thơ gắn liền với bao món quà quê mà nguyên liệu chính bắt đầu từ hạt gạo, hạt nếp. Cái hạt thóc sần sùi vỏ trấu như một chiếc thuyền nan chuyển tải bao đậm đà, bùi ngọt, dẻo thơm. Nhiều thứ bánh từ dẻo đến giòn, từ vuông đến tròn, từ to đến nhỏ đều làm bằng nguyên liệu là bột gạo bột nếp. Đó là những sợi bún trắng muốt nhìn đã thấy ngon mắt; là cái bánh đa nướng rộp lên bao nỗi phập phồng lấm tấm hạt vừng, vỡ nghe rôm rốp. Rồi những chiếc bánh bột lọc được bọc bằng lá chuối nhân đậu thật bùi, đó là một sự hòa hợp chứa chan tạo nên một thứ ẩm thực hài hòa độc đáo. Rồi bao thứ kẹo, kẹo kéo, kẹo giòn, kẹo dai cũng bắt đầu từ hương mật của mía, một thứ hương quyện đến là quấn quýt, xoắn xuýt vào nhau. 

Hương vị tuổi thơ bắt đầu từ món nướng. Không hiểu xa xưa ai đã phát minh ra ngọn lửa, ngọn lửa reo, ngọn lửa bùng lên phần phật nhưng than củi thì lim rim đượm nồng để biến cái tanh thành thơm của cá, để biến cái không mùi thành bùi của khoai, để biến cái sống sít vô cảm thành chín nóng hôi hổi xuýt xoa. Món nướng tạo ra hương vị kích thích khứu giác và vị giác khi tan vào trong gió, khi ngấm vào đầu lưỡi.

Hương vị tuổi thơ. (Ảnh minh họa: Vũ Ngọc Thiện)

Bây giờ các món quà của trẻ nhỏ thường được làm ngọt nhanh chóng bằng hóa chất, ngọt tức thì. Còn hương vị quà quê thường là vị ngọt sạch, ngọt được chưng cất bằng cả linh khí đất trời, ngọt từ độ chín dần của thời gian, chín ủ bằng men của tình người tình đất. Tôi rất thích thú với món quà quê tôi là kẹo cu đơ. Có gì cao sang đâu, chỉ là hạt lạc, là mật mía, là bánh đa pha thêm chút gừng cho thơm. Nhưng chính ngọn lửa, độ lửa trong lò nấu; chính cái đảo tay rất dẻo của người làm hàng, chính sự hòa trộn nồng nàn của mấy hương vị, mấy nguyên liệu sẵn có của người nông dân thuần Việt mà tạo nên sự dính kết giao hòa, sự nồng đượm ấp iu, sự tròn vạnh của bánh. Có bùi, có ngọt, có dẻo, có thơm, có màu nâu sánh của hạt lạc với mạch nha màu cánh gián, kết hợp với màu trắng rộp phồng của bánh đa. Tất cả đã "chưng cất" nên hương vị riêng có độc đáo dành cho tuổi thơ. Món quà quê giản đơn ấy được bạn nhỏ chia nhau lúc đi học, khi vắt vẻo lưng trâu, khi đông về se lạnh. Hương vị tuổi thơ ấy đã xua đi cái rét lập cập tái tê lạnh cóng chân tay. 

Hương vị tuổi thơ bắt đầu từ hương rồi tan ra thành vị. Cũng từ hương để thành quả chín trong vườn. Khu vườn tuổi thơ chính là một thế giới huyền ảo và phong phú với bao nhiêu thứ quả chín dần, bói dần cả trong trí tưởng tượng. Một quả thị nở ra thành cô Tấm, một cây khế trong truyện cổ tích. Rồi những đêm trung thu phá cỗ: quả bưởi tròn như trăng rằm, quả na nở mắt tròn xoe, nào hồng chín lịm, nào chuối thơm phức… Cả một thế giới thiên nhiên đủ đầy với bao sắc thái, bao hương vị dành cho tuổi thơ; những múi, những hạt để tiếp nối gieo trồng, để nảy mầm, đơm hoa kết trái.

Nhớ về tuổi thơ là nhớ về hương vị. Bởi hương vị không chỉ nuôi ta lớn mà còn bồi đắp trong ta tình yêu quê hương xứ sở; nuôi dưỡng trong ta sự bền chặt thủy chung, biết nâng niu trân trọng những "gia vị" đầu đời để chưng cất, gìn giữ như một thứ bảo bối được bắt đầu từ: Hương vị tuổi thơ.

Nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa ở tuổi thiếu nhi đã viết tập thơ khá nổi tiếng "Góc sân và khoảng trời". Với tuổi thơ, góc sân là nơi bày ra các trò chơi trẻ nhỏ. Còn khoảng trời là một thế giới bay bổng, mở ra những chân trời của trí tưởng tượng phong phú. Khoảng trời của tuổi thơ bắt đầu từ khung trời trang sách mới... Nếu như góc sân có cả một thế giới côn trùng: nào ve, nào dế, nào giun, nào kiến bé nhỏ thì khoảng trời mở ra một thế giới rộng lớn cổ tích thần thoại với những câu chuyện có hậu. Không phải ngẫu nhiên mà mặt trăng được các em trìu mến gọi là chị Hằng, chị Hằng Nga, hay lại là ông Trăng.

Trẻ nhỏ thích chơi diều. Cánh diều bay lên, một đầu sợi dây cắm vào mặt đất. Diều bay hay tuổi thơ bay, ước mơ bay. Và trái đất bỗng biến thành quả bóng trong bài hát của nhạc sĩ Trương Quang Lục phổ thơ Định Hải: "Trái đất này là của chúng mình/ Quả bóng xanh bay giữa trời xanh/ Bồ câu ơi tiếng chim gù thương mến/ Hải âu ơi cánh chim vờn trên sóng/ Cùng bay nào cho trái đất quay".

Có một ngày Tết cho trẻ em, lại thật ngẫu nhiên đúng vào dịp nghỉ hè để các em chơi. Chơi chính là những giờ học ngoại khóa hấp dẫn khi được hòa mình với thiên nhiên, làm bạn với cỏ cây, với chim chóc. Ngày Tết tuổi thơ đó cũng như bà và mẹ có ngày tri ân của riêng mình. Mẹ đã sinh ra em, nhưng bà cũng là người thường ru em ngủ, bón cho em từng thìa cơm, bát cháo, như bà Tiên trong truyện thần thoại. Bà có mái tóc bạc trắng, bàn tay nhăn nheo quạt cho em ngủ. Bà là người kể chuyện cổ tích hay nhất. Câu chuyện ấm cả hơi trầu đầm đậm mở ra những khoảng trời mới. Bà là người làm ra giấc mơ. Nếu không thế thì đám mây kia sao phút chốc lại vun lên thành cây rơm, thành cánh buồm, thành những tòa lâu đài nguy nga, lộng lẫy, tráng lệ...? Rồi đám mây kia cũng có thể trở thành nàng Bạch Tuyết và 7 chú lùn kéo theo cả trò chơi rồng rắn.

Khoảng trời của tuổi thơ. (Ảnh minh họa: IT)

Tuổi thơ có một khoảng trời riêng mà người lớn không thể nào biết được những bí ẩn diệu kỳ. Những câu hỏi tại sao sẽ bắt đầu khám phá. Tại sao không có điện mà chớp giật xé rách cả da trời? Tại sao lại có mưa bóng mây? Và vòm trời cao rộng lại giống chiếc ô che nắng thường ngày?

Nhà thơ Thi Hoàng đã từng phát hiện thế giới trẻ thơ thật tinh tế: "Người lớn bắt chước trẻ con/ Bày ra chiến trường trận mạc/ Ai ngờ họ đánh nhau thật/ Trẻ con chỉ đánh nhau chơi/ Người lớn thật là buồn cười/ Mua gì phải tiền mới được/ Trẻ con mua cả cơ nghiệp/ Chỉ vài chiếc lá trao nhau".

Từ trẻ con đến người lớn không chỉ là khoảng thời gian, mà còn cả không gian nữa. "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã từng viết thiên truyện nổi tiếng của mình cũng là ao ước của bao người. Khoảng trời của tuổi thơ có nắng, có gió và tiếng chim hót. Ôi cái tiếng chim chiền chiện mà nhà thơ Huy Cận đã từng ngẩn ngơ: "Chỉ còn tiếng hót/ Làm xanh da trời". Mỗi sáng mai thức dậy, tiếng gà gáy bắc một nhịp cầu vồng sang ngày mới. Tiếng gà vẫn trẻ như xưa, vẫn vẽ chữ O như ngày nào - cái chữ O tròn trong bảng tập viết đầu đời. Từ cái chữ O vòng tròn ấy lan tỏa thành những vòng sóng đồng tâm mở ra những khoảng trời mới.

Từ “hương vị tuổi thơ” đến “khoảng trời tuổi nhỏ” đánh thức bao giác quan nhạy cảm của con trẻ mở ra với vũ trụ vô biên. Đó cũng là những đôi cánh thiên thần chắp cho em bao ước mơ khát vọng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top