Aa

Vạch ra rồi… để đấy!

Thứ Hai, 02/04/2018 - 06:00

"Cán cân quyền lực trong quy hoạch đô thị đang lệch hẳn về phía chính quyền và nấp sau đó là tham vọng lợi ích của các nhà đầu tư. Trong khi đó, người dân,... họ thậm chí còn không được là khán giả của các dự án, đồ án về quy hoạch".

LTS: Chúng ta đang sống trong thời hiện đại, có nhiều thay đổi rất khác với ngày xưa. Chúng ta tiếp nhận nhiều giá trị căn bản từ truyền thống, tạo nên nhiều giá trị mới giàu bản sắc và cũng đối diện với nhiều vấn đề cần ngẫm nghĩ, để nhận ra chân lý đích thực, đóng góp vào cuộc sống tiếp nối. Chuyên mục REABLOG của Reatimes ra đời, là một nơi để trao đổi, luận bàn hướng đến nhân văn và bền vững… Với sự cộng tác của các nhà văn, nhà báo và cộng tác viên có uy tín, mỗi ngày, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc một câu chuyện nhỏ, một cảm nhận từ cá nhân tác giả về nhiều phương diện của cuộc sống hôm nay để chúng ta cùng chia sẻ. Ngày Thứ hai sẽ là câu chuyện của Nhà báo Phạm Nguyễn Toan (Toan), Thứ ba là Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Thiều làng Chùa), Thứ tư là Nhà văn Tạ Duy Anh (Lão Tạ), Thứ năm là Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Tuấn Cơm có thịt), Thứ sáu là Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (Tiến trọc), Thứ bảy là Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, Chủ nhật là Nhà văn, dược sỹ Trần Thanh Cảnh (Thầy Thanh Cảnh).

Chuyên mục do Nhà văn Nguyễn Thành Phong trực biên tập.

Chúng tôi mong đợi được bạn đọc đón nhận, cùng phản hồi, trao đổi, đồng hành cùng Reatimes vun đắp cho cuộc sống ngày càng nhiều ý nghĩa hơn.

Xin trân trọng giới thiệu câu chuyện mở đầu của Nhà báo Phạm Nguyễn Toan:

Vạch ra rồi… để đấy!

Trong các cuộc nhậu với dân quy hoạch, anh em thường kể một chuyện tiếu lâm rằng: Có cuộc tuyển dụng nhân sự, giám đốc nhìn vào hồ sơ một ứng viên nữ thấy ghi đã 3 đời chồng nhưng vẫn “còn nguyên” nên đặt câu hỏi: "Vì sao vậy?!".

Ứng viên trả lời: Em lấy ông chồng đầu là một nhà hùng biện nên: "Nói thì hay chứ không biết làm". Người thứ hai công tác tại viện bảo tàng nên: "Không sờ vào hiện vật". Còn người thứ ba, là một nhà quy hoạch, nên anh ấy: "Chỉ vạch ra rồi để đấy!".

Chuyện hài kể mãi cũng nhàm nên quay lại chuyện ngay, “anh quy hoạch tiếu lâm” than thở: “Bọn tao vạch ra mà được để đấy thì còn là phúc cho xã hội!”

Thật luôn. Một bà chị làm chủ nhiệm quy hoạch Linh Đàm đời đầu cũng đã cấm anh em nhắc đến tên bà với vai trò là tác giả khi nói về “Khu đô thị kiểu mẫu” ấy!

Nhà tôi cũng ở Linh Đàm. Chỗ làm thì ở Lê Văn Lương… “kéo dài”. (May hơn nhiều con đường khác, bây giờ cái phần “kéo dài” mang tên cụ Lương đã được gọi là đường Tố Hữu). Cách nhau vài ki lô mét thôi nhưng trong nỗi ám ảnh của mình, tôi sợ sự “đi” hơn sự “làm”.

Mỗi ngày, trong hàng tiếng đồng hồ ngồi trên xe vượt đường khói bụi, để khỏa lấp khoảng thời gian vô nghĩa và ức chế, bên cạnh việc đặt ra những câu hỏi kiểu như: Rồi vành đai ba sẽ đi về đâu khi những mảnh đất vàng cuối cùng đã trở thành The Manor Cetral Park để thêm hàng vạn cư dân sẽ đổ ra đường thì tôi biên thơ Bút Tre trên Facebook để xin lỗi họp muộn:

Tôi đang trên đường Khuất Duy

Tiến lên chẳng được, lùi thì không xong!

Chuyện về đô thị Việt Nam với sự chụp giựt, manh mún, xô bồ, thiếu trật tự, thiếu khoa học, ách tắc giao thông, ô nhiễm và phi thẩm mỹ… có mà nói cả năm không hết. Phân tích nguyên do “vấn nạn” này, người ta hay đổ lỗi cho… quy hoạch! Cũng giống như khi nói về sự kém cỏi trong phát triển, người ta hay than rằng “chung quy là do cơ chế!”. Chỉ có điều, đố ai biết cái ông quy hoạch, ông cơ chế vai trò lớn, trọng trách nhiều ấy mồm ngang mũi dọc thế nào.

Hà Nội lộn xộn, chắp vá nhìn từ trên cao. Nguồn ảnh: Thanh Niên

Hà Nội lộn xộn, chắp vá nhìn từ trên cao. Nguồn ảnh: Thanh Niên

Năm ngoái, anh Chung, Thị trưởng Thủ đô, dù tự nhận mình là người ngoại đạo nhưng cũng đã phải thốt lên: “Giờ chúng ta phải trả giá vì đã làm quy hoạch băm nát Hà Nội”. Cái “chúng ta” phải trả giá thì rõ rồi. Đó là người dân. Nhưng cái “chúng ta” phải chịu trách nhiệm thì hình như chưa có câu trả lời!

Hỡi Quy hoạch, ông là ai mà tội lỗi tày trời đến vậy!?

Chính danh nhất để “chỉ mặt đặt tên” là các nhà quy hoạch. Xã hội thường hay lên án đối tượng này và cho rằng họ là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các yếu kém trong lĩnh vực quy hoạch đô thị. Nhưng thực chất, cả các nhà thiết kế, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định khung pháp lý quy hoạch đều chẳng đủ vai trò để tác động vào cái sự băm nát quy hoạch ấy. Thế mạnh lớn nhất của nhóm này là chất xám. Nhưng chất xám đóng góp vào quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam là hết sức hạn chế.

Nhân dân thì thôi, chả phải bàn. Họ dường như không được tham gia chút nào vào tiến trình vĩ đại này, dù theo quy định, quyền lực là của họ.

Còn bộ máy chính quyền? Về thực chất, đây vừa là người sử dụng vừa là người tạo ra các thiết kế quy hoạch, ra các quyết định quan trọng về đầu tư, lập quy hoạch, cấp đất, giải tỏa, định hướng phát triển, giải quyết mâu thuẫn, vệ sinh, trật tự an ninh…. Mỗi một quyết định của chính quyền đều tạo ra các thay đổi quan trọng đến đô thị, đều gây ra ảnh hưởng đến hàng triệu người. Đứng đầu bộ máy chính quyền các cấp là các vị chủ tịch (họ là những người chịu trách nhiệm về các vấn đề trên, và cũng chính là những người ra các quyết định cụ thể về phát triển đô thị). Thế nhưng điều rất lạ là trong rất nhiều cuộc tranh luận về quy hoạch đô thị, chính quyền, cụ thể là các vị chủ tịch, thường vô can.

Một thế lực khác, rất mạnh mẽ, có khả năng tác động đến quy hoạch là các nhà đầu tư lớn. Họ có khả năng cải tạo hay kiến thiết các công trình, các khu đô thị rộng lớn ảnh hưởng rất lâu dài đến tương lai thành phố và một số lượng lớn người dân. Nhưng họ lại rất “vô hình”. Sau mỗi quyết định điều chỉnh quy hoạch này nọ, ta đều thấy thấp thoáng hình bóng của các nhà đầu tư nhưng đều “thoắt ẩn, thoắt hiện”.

Mọi biểu hiện của đô thị đều là các sản phẩm của các tổ chức, cá nhân trong xã hội trong quá trình vận động phát triển theo quy luật. Vì các mục đích khác nhau, vì khả năng khác nhau, vì sự khống chế khác nhau của luật pháp, vì sự can thiệp khác nhau của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân tạo ra các sản phẩm khác nhau trong đô thị và tạo ra thực tiễn đô thị.

Trong cái “lỗi quy hoạch” hiện nay, các chuyên gia có chỉ ra nguyên nhân chính yếu đó là sự phân bổ quyền lực quy hoạch. Cán cân quyền lực trong quy hoạch đô thị đang lệch hẳn về phía chính quyền và nấp sau đó là tham vọng lợi ích của các nhà đầu tư. Trong khi đó, người dân, dù rất đông và là đối tượng thụ hưởng các giá trị quy hoạch nhưng họ thậm chí còn không được là khán giả của các dự án, đồ án về quy hoạch.

Cũng giống mấy anh chuyên gia “vạch ra rồi… để đấy”, than thở chuyện này cũng chỉ để giải tỏa chút ức chế trong lúc tắc đường thôi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top