Aa

Vành đai 3 - Cú hích phát triển cho TP.HCM và các tỉnh lân cận

Thứ Hai, 19/06/2023 - 06:00

Ngày 18/6, dự án đường Vành đai 3 TP.HCM sẽ được khởi công. Dự án này sẽ mở ra không gian đô thị, tạo động lực mới cho phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

Với chiều dài hơn 76km, dự án có tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng không chỉ kết nối TP.HCM với Bình Dương, Long An và Đồng Nai, mà còn kết nối với 5 tuyến cao tốc, các trục hướng tâm và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy dự án này sẽ mở ra không gian đô thị, kết nối cảng biển, logistics, cảng container và tuyến Mộc Bài - Tây Ninh, tạo ra động lực mới cho phát triển của vùng Đông Nam Bộ.

Ngay trước thềm khởi công, TP.HCM đã lập các tổ công tác khai thác quỹ đất dọc tuyến Vành đai 3, tham mưu giúp thành phố rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị, cập nhật vào quy hoạch chung thành phố đến năm 2040. Đây là cơ hội dùng đường Vành đai 3 như một công cụ để tạo thành một không gian phát triển kinh tế đô thị mới, kết nối và biến ý tưởng phát triển TP.HCM thành khu vực đa trung tâm như kỳ vọng.

"Cách thức của chúng ta là làm thế nào để gọn nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt là giá trị thặng dư từ đất lên nhất, đó là một câu chuyện. Dĩ nhiên trong quá trình làm chúng ta có nhiều công cụ. Chúng ta có Luật Đất đai đang sửa đổi, trong đó có nhiều điều cho thấy chúng ta có thể khai thác quỹ đất ven đường thuận tiện hơn", TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho biết.

vành đai 3 tp,hcm
Điểm cuối của Dự án Đường vành đai 3 TP.HCM sẽ nối vào cao tốc TP.HCM - Trung Lương. (Ảnh: Báo Đầu tư)

 

Cũng theo các chuyên gia, khi đóng vai trò là mở ra một không gian phát triển kinh tế và đô thị mới, dự án Vành đai 3 sẽ trở thành cú hích phát triển cho TP.HCM và các tỉnh lân cận không chỉ trong ngắn hạn, mà sẽ là trong dài hạn.

"Khi tạo ra sự kết nối có tính thông suốt giữa các địa phương nhờ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, nó sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác và liên kết giữa các địa phương trong vùng với nhau", TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đánh giá.

"Chính quyền thành phố có thể thông qua các hình thức về PPP để phối hợp các nhà đầu tư tư nhân để phát triển các đô thị mới này, phát triển các khu công nghiệp. Giá trị thặng dư đem lại sẽ chia ra và phần thuộc thành phố sẽ sử dụng sẽ trả vốn vay để triển khai Vành đai 3", PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải, Trường Đại học Việt Đức, nhận định.

Dự kiến, chỉ tính riêng tại TP.HCM, khoảng 2.000ha đất dọc tuyến đường Vành đai 3 sẽ được khai thác. Nếu quy hoạch và khai thác được, các khu công nghiệp mới sẽ xuất hiện, các khu dân cư mới ra đời nằm ngay giao điểm giữa Vành đai 3 với các trục xuyên tâm. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội Vành đai 3 mang lại cho TP.HCM và các tỉnh lân cận là tăng sức cạnh tranh, rút ngắn thời gian phát triển, vốn bị chững lại của TP.HCM trong nhiều năm qua chỉ vì điểm nghẽn giao thông./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top