Aa

Về một chữ trong bài thơ “Bạch Đằng Giang” của đức vua Trần Minh Tông

Chủ Nhật, 11/10/2020 - 08:00

Trần Minh Tông (1300 - 1357) là ông vua thứ 5 của triều Trần. Được coi là một trong những ông vua anh minh, sáng suốt. Cũng như các ông vua khác của dòng họ, ông hâm mộ đạo Phật và thích ngâm vịnh thơ ca. Ông làm nhiều thơ, xong đến lúc gần chết đã ra lệnh cho quần thần đốt hết bản thảo, nên nay còn sót lại rất ít. Một trong những di cảo của ông còn đến nay là bài thơ BẠCH ĐẰNG GIANG, như sau: 

Vãn vân kiếm kích bích toàn ngoan 

Hải thẩn thôn triều quyết tuyết lan 

Xuyết địa hoa điền xuân vũ tế 

Hám thiên tùng lạc vãn sương hàn 

Hồ Việt danh thâu nhất ỷ lan 

Giang thủy đình hàm tà nhật ảnh 

Thác nghi chiến huyết vị tằng can. 

Dịch thơ: 

Chạm mây gươm giáo xanh von vót 

Sóng tuyết khi đầy lúc lại vơi 

Mưa tạnh hoa phô vàng mặt đất 

Sương lừa thông réo tiếng vang trời. 

Non sông kim cổ hai lần dậy 

Hồ Việt hơn thua một thoáng thôi 

Chan chứa dòng sông ngàn bóng xế 

Ngỡ là máu giặc hãy còn tươi. 

Bài thơ làm bằng chữ Nho, được khá nhiều người yêu thích và thường được dịch ra tiếng Việt như trên. Cả bài thơ, ngoài sự toát lên niềm tự hào về chiến công chống giặc Nguyên Mông của quân dân triều Trần, còn có một nỗi u hoài nào đó về cuộc đời, thế sự, kiếp nhân sinh của ông vua vốn theo dòng Thiền tông. Nhất là ở hai câu cuối: “Giang thủy đình hàm tà nhật ảnh/ thác nghi chiến huyết vị tằng can”, thường được dịch là: “Chan chứa dòng sông ngàn bóng xế/ ngỡ là máu giặc hãy còn tươi”. Ở đây chữ “chiến huyết” đã được dịch, hiểu là “máu giặc”, chứng tỏ người dịch, đọc xưa nay chưa hiểu gì lắm về vị vua này. Trần Minh Tông vốn là con bà thứ phi, theo quy định của hoàng gia, con hoàng hậu mới được coi là con đích, kế nghiệp vua. 

Vua Trần Minh Tông (Sưu tầm) 

Nhưng vì lúc đó hoàng hậu vợ vua cha chưa có con trai nên ông được lên ngôi. Sau đó, hoàng hậu vợ vua cha mới sinh con trai, ông đã cho làm lễ mừng như với thái tử và bảo quần thần: “Đợi thái tử lớn ta sẽ trao trả lại ngôi vua”! Ông cũng như nhiều ông vua triều Trần khác, coi ngai vàng là một cái gì đó rất bình thường mà thôi. Ông quan tâm đến đạo Phật, đến sự giải thoát của chúng sinh khỏi những khổ đau dằn vặt của kiếp người kia… 

Đức vua Trần Minh Tông đã từng răn dạy các hoàng tử: “Con nào dốc sức mưu tính sản nghiệp, keo sẻn làm giàu thì không phải con ta. Nếu quả làm chuyện đó, thì chẳng thà phân tán hết của cải cho nghèo đi còn hơn. Vì như vậy, dẫu không tránh khỏi túng thiếu, vẫn còn là hành vi của bậc quý nhân.” Một đấng quân vương coi vinh hoa phú quý, của cải bạc vàng… là cái sự phù vân. Thấu hiểu lẽ đời. Nên trong bài thơ ông đã dùng chữ: “chiến huyết”, để mô tả dòng nước Bạch Đằng ngầu đỏ sục sôi. Chiến huyết, ấy là máu của binh sĩ hai bên cùng đổ xuống dòng sông này, máu ta và máu địch… 

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến những câu thơ sâu thẳm về chiến tranh của thi sĩ Trần Mộng Tú, bà viết: “Anh tặng em chiếc áo/ thấm đẫm máu sa trường/ máu anh và máu địch/ xin em cùng xót thương…” Máu anh và máu địch… Trên chiến trường họ là đối thủ, địch thủ một mất một còn, phải xông vào nhau trong những trận chiến sống mái. Thế nhưng ngoài đời, họ cũng chỉ là những con người bình thường. Và nếu số phận xoay vần biết đâu họ lại chẳng cùng nhau ngồi nâng chén tiêu dao như bạn bè. 

Đời là vậy. Là bi, hài, ái, ố, hỷ, nộ đan xen lẫn lộn. Các văn nhân thi sĩ hiểu điều đó. Trần Minh Tông hiểu điều đó. Ông đã vượt lên trên cả chính sự thông thường, để hiểu rằng cái sự thăng thua trong chiến trận, trong cuộc đời nhiều khi cũng chỉ là sự thoảng qua so với vũ trụ mà thôi: “Hồ Việt danh thâu nhất ỷ lan - Hồ Việt hơn thua một thoáng thôi”. Nên mấy chục năm sau trận Bạch Đằng ông đã đến, ngắm sóng, cảm thán và cả ngầm xót thương sinh mệnh nhân gian. Trái tim lớn của một thi sĩ thể hiện ra trong cả bài thơ, và tập trung lại trong chữ : “chiến huyết”, nay nên dịch là: “máu trận”, có lẽ vậy mới thể hiện hết ý tứ tiền nhân: “Ngỡ là máu trận hãy còn tươi.”

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top