Aa

Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quốc tế để hoàn thiện Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Thứ Sáu, 22/09/2023 - 16:54

Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam cần hướng đến xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia và hiện đại hóa định giá đất; học hỏi kinh nghiệm quốc tế về thu hồi đất, phương pháp định giá đất...

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Ngày 22/9, tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt và Quỹ Rosa Luxemburg Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức Hội thảo quốc tế “Kinh nghiệm quốc tế về tài chính và quy hoạch đất đai”.

Tham dự hội thảo có ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; ông Nguyễn Văn Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các chuyên gia cấp cao của Ngân hàng Thế giới và Việt Nam; các chuyên gia, nhà khoa học trong nước. 

Mục đích của hội thảo là cung cấp kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc xử lý các vấn đề khó, phức tạp liên quan đến tài chính, đất đai, giá đất, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Đồng thời, cung cấp thêm quan điểm, góc nhìn đa chiều về các vấn đề này từ các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan nghiên cứu và các nhà hoạt động thực tiễn về pháp luật, đất đai.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan nghiên cứu cơ bản đồng tình rằng, trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam cần hướng đến xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia và hiện đại hóa định giá đất; học hỏi kinh nghiệm một số nước về thu hồi đất; phương pháp định giá đất; chính sách tài chính đất đai, giá đất và quy hoạch đất đai của một số nước Đông Nam Á; học hỏi kinh nghiệm một số quốc gia châu Âu và châu Á về vấn đề định giá đất, bồi thường khi thu hồi đất, hỗ trợ tái định cư…

Đáng chú ý, kinh nghiệm thu hồi đất ở một số nước được ông David Baringo - chuyên gia cao cấp về xã hội, chuyên gia lâu năm phụ trách về thu hồi đất của Ngân hàng Thế giới trình bày chi tiết.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia cao cấp về chính sách đất đai - Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đưa ra một số góp ý cho Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó, có khuyến nghị Luật Đất đai chỉ nên quy định về công tác quản lý đất đai, còn việc sử dụng đất cụ thể như thế nào thì phải quy định tại luật khác.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, chuyên gia cao cấp về chính sách đất đai - Ngân hàngThế giới tại Việt Nam. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Hội thảo cũng nghe TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV trình bày về phương pháp định giá đất, kinh nghiệm một số nước và kiến nghị đối với Việt Nam. Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cũng tham gia ý kiến về quy hoạch đất đai.

Ngoài ra, nhiều thực trạng về bất cập trong Luật Đất đai và sự chồng chéo giữa các dự thảo luật được các chuyên gia, nhà khoa học thẳng thắn trao đổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, những quy định của Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống kinh tế - xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Các quy định liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, tài chính đất đai, định giá đất… là những vấn đề gắn bó chặt chẽ đến quyền, nghĩa vụ của các bên liên quan, người dân và Nhà nước. Việc hoàn thiện Dự luật là nhiệm vụ lập pháp rất khó và quan trọng của cả nhiệm kỳ, khi đến thời điểm hiện tại, vẫn còn có những nội dung có ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội và của người dân.

Do đó, cần tiếp tục có cách tiếp cận khoa học, khách quan và toàn diện, cầu thị và bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng đã được nêu ra tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, trong đó, có học hỏi kinh nghiệm thực tiễn của quốc tế, nhằm hoàn thiện tốt nhất Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải. (Ảnh: Báo Đại biểu Nhân dân)

Liên quan đến địa bàn Lâm Đồng, Tây Nguyên, các cơ quan ban ngành và các chuyên gia cũng làm rõ nhiều hạn chế và đưa ra những giải pháp cho chính sách pháp luật về thu hồi đất, hiệu quả của công tác quản lý các loại đất như đất quốc phòng - an ninh, đất lâm trường, đất rừng, đất khai hoang, lấn chiếm lâu năm của dân di cư tự do…

Trong đó, tập trung vào các định hướng chính sách về ưu tiên, bảo đảm đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất nông, lâm trường, đất quốc phòng - an ninh khu vực Tây Nguyên nhằm giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế...; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp và tổ chức thực hiện thu hồi đất giao khoán không đầu tư từ các công ty nông, lâm nghiệp về địa phương quản lý và thực hiện giao đất, cho thuê đất theo quy định, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng, miền.

Ngoài ra, cần có chính sách phù hợp để ưu tiên giao đất cho đồng bào dân tộc thiếu đất sản xuất và có cơ chế ngăn chặn người dân chuyển nhượng đất sau khi được giao đất…

Hội thảo là sự kiện khoa học kịp thời và ý nghĩa, nhằm tiếp tục cung cấp thêm thông tin khách quan, cũng như kinh nghiệm quốc tế cho việc hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bảo đảm chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, tháng 10/2023.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top