Aa

Xin hãy bỏ đi những vô bổ, hình thức...

Thứ Hai, 21/09/2020 - 07:00

Rất nhiều người khi về hưu, được hỏi sung sướng nhất khi về hưu là gì, bảo, sướng nhất là không phải ngồi họp xếp loại thi đua cuối năm.

Không ai phủ nhận chuyện thi đua nhưng ở nhiều cơ quan, đơn vị cơ sở, thì có vẻ càng ngày phong trào này càng trở nên sơ sài và hình thức. Không chỉ thế, có trường hợp, việc này trở thành sự hành hạ nhau mỗi cuối năm và là lý do để người ta trù dập nhau.

Các cơ quan thì cuối năm bao giờ cũng có màn họp xếp hạng. Có nhiều cuộc họp xếp cho từng đối tượng. Nếu là lính trơn thì chỉ phải dự một cuộc họp cơ quan xét xếp hạng công chức, viên chức. Nếu là đoàn viên công đoàn và đoàn viên thanh niên thì còn hai cuộc nữa. Cuối cùng, nếu là lãnh đạo thì có thêm cuộc xét lãnh đạo. Nếu tham gia các ban chấp hành cấp trên thì còn các cuộc ấy nữa. Họp hành liên miên nhưng quan trọng là vừa hình thức vừa hành nhau.

Đa phần là những vị lớn nhất cơ quan sẽ nhận xuất sắc nhất, còn lại thì... anh em chia nhau. Nó lại thế này: Cái suất xuất sắc nhất ấy, mỗi cơ quan lại chỉ được có 10%, nên nhiều khi sếp muốn kiếm thêm đứa nữa đứng với mình cho nó đỡ... cô đơn cũng khó. Tất nhiên cũng có những vị sếp dứt khoát không tham gia vào cuộc đua danh hiệu này mà nhường cho anh em. Số này ít, còn đa phần các sếp sẽ nhận hết các phần xuất sắc từ cơ quan tới chi bộ. Rồi còn làm thủ tục để phong chiến sĩ thi đua, huân huy chương sau này nữa, v.v...

Cách làm là từng người sẽ đọc một bản kiểm điểm rồi tự chấm điểm phân loại theo ba rem. Rồi anh em cơ quan góp ý (đa phần ngồi im, nếu như không phải là những "đối tượng đặc biệt" bị đấu tố), rồi người chủ trì kết luận. Đa phần khi tự chấm điểm là tụt một điểm. Ví dụ ba rem điểm cao nhất là 10 thì nhận 9, là 5 thì nhận 4, đủ để không bị yếu kém. Trừ ông sếp dũng cảm, nhận tất cả là điểm cao nhất.

Rất nhiều người khi về hưu, được hỏi, sung sướng nhất khi về hưu là gì, bảo, sướng nhất là không phải ngồi họp xếp loại thi đua cuối năm.

Hôm rồi xảy ra vụ Quảng Bình, cô hiệu trưởng nhắn tin dọa mang xăng đốt thầy Trưởng phòng vì Trưởng phòng không cho trường cô được khen cấp Huyện, trong khi ở cấp Tỉnh, trường này đã được rồi.

Thì mới vỡ òa ra là trong ngành giáo dục, cái sự thi đua khốc liệt hơn nhiều. Một số giáo viên kể với tôi những chuyện hết sức rối rắm, đến mù mịt, đến... chả hiểu nổi. Ví dụ một cô giáo nhắn: "Chú ơi Huyện cháu cắt thi đua vì lí do làm khai giảng sơ sài. Vì lớp có 2 học sinh lưu ban. Đó là tổng kết ngành nói vậy. Chứ yêu cầu Phòng Giáo dục giải trình lý do đến giờ vẫn chưa có".

"Giáo viên dạy 36 học sinh là người Jrai thì hỏi không cho lưu ban thì cho lên hết à. Chính giáo viên cho học sinh lưu ban là người còn có tâm ấy chứ. Tụi cháu không dám nói vì sợ..."

Đọc cái tin nhắn này lại sực nhớ đến chuyện học sinh học đến lớp 3, lớp 4 mà không biết đọc. Rồi phụ huynh xin cho con ở lại nhưng nhà trường cương quyết bắt phải lên lớp.

Về thi đua của giáo viên: Chiến sĩ thi đua cơ sở phải có sáng kiến kinh nghiệm đạt loại B trở lên, thi năng lực đạt, thi 2 tiết dạy đạt loại tốt. Giáo viên giỏi cấp huyện thì thi năng lực đạt và thi 2 tiết dạy đạt loại tốt. Lao động tiên tiến thì phải là giáo viên giỏi cấp trường (cấp trường cũng thi năng lực và 2 tiết dạy đạt loại tốt), cuối năm xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, chất lượng học sinh không có lưu ban... Vấn đề học sinh không được lưu ban là khổ nhất đối với giáo viên.

Chỉ nhìn giáo viên địa bàn vùng sâu vùng xa ở Tây Nguyên đi vận động học sinh đi học chuyên cần là đã biết khổ rồi. Một tuần nó đi được một buổi rồi nghỉ, thậm chí nghỉ cả tháng thì giáo viên ba đầu sáu tay cũng không dạy nó đọc viết được. Lớp nào ít thì 2 hay 4 em. Nhiều lên cả 10 em. Coi như năm đó giáo viên đen đủi trúng lớp cực phải đi vận động.

Và đây là những yêu cầu với các lớp học, chả chừa trường hợp nào, dẫu đấy là những trường tít trong rừng xanh núi đỏ (là ví von thế chứ núi đỏ thì còn chứ rừng xanh hết rồi): Báo cáo sĩ số học sinh đầu năm như thế nào cuối năm phải y như vậy. Chất lượng thì phải 98% hoàn thành chương trình lớp trở lên. Ngay đầu năm, kiểm tra đọc viết của học sinh, giáo viên phải có kế hoạch phụ đạo thêm để học sinh yếu biết đọc biết viết. 

Hè, nếu học sinh không hoàn thành thì giáo viên phải đi phụ đạo trong hè. Giáo phải có nhiệm vụ kèm cho học sinh hoàn thành chương trình. Không hoàn thành là bị cắt thi đua. Nhẹ nhất là mất lao động tiên tiến. Thực ra giáo viên không cần lao động tiên tiến hay chiến sĩ thi đua đâu ạ. Mà chỉ sợ không được cái tiên tiến thì 2 năm xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ sẽ bị chuyển công tác hoặc cho nghỉ việc, mà giờ nghỉ việc thì con cái trông vào đâu mà sống.

Còn vấn nạn trường chuẩn. Kiểm tra các hạng mục một số trường có đạt đâu nhưng vẫn... cho lên và nợ hạng mục để xây dựng sau. Có trường thư viện không đạt chuẩn phải mượn sách trường khác về đối phó kiểm tra để lên chuẩn.

Đấy chỉ là một vài ví dụ.

Tất nhiên, không phải là tất cả. Như đã nói từ đầu, phong trào thi đua là tốt, nhưng hình như cách chúng ta triển khai, thực hiện đang có vấn đề. Như việc bình bầu gia đình văn hóa, rồi cơ quan công sở văn hóa, rồi thôn làng văn hóa ấy. Cả chục năm rồi, ai cũng thấy có vấn đề, ví như, thế những ai không được cấp bằng văn hóa hàng năm thì là... không văn hóa à? 

Rồi, thực chất những gia đình, công sở, thôn làng văn hóa ấy có văn hóa không? Rồi, nếu một gia đình, năm nào cũng là gia đình văn hóa (thực tế là thế bởi gần như 100% là gia đình văn hóa, trừ những gia đình cố tình không nhận) thì cái bằng văn hóa ấy để vào đâu cho hết.

Và hàng năm, chúng ta dường như đã chi rất nhiều tiền cho các việc này?

Nên rất cần một ai đấy, cơ quan nào đấy, ngồi thống kê lại, xem cái gì hình thức, khiên cưỡng, vô bổ, chỉ mang mỗi tác dụng là... hành nhau thì bỏ đi. Cuộc sống còn bao việc phải làm. Và con người thì còn phải yêu nhau, phải tận hưởng cuộc sống tốt đẹp này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top